15 phút nổi tiếng - là một trích dẫn được Andy Warhol phổ biến lần đầu vào năm 1968: "Trong tương lai, mọi người sẽ nổi tiếng thế giới trong 15 phút". Câu nói này của ông như đã dự báo trước được tương lai của những các nghệ sĩ hiện nay.
Được ca ngợi là “Giáo hoàng của Nghệ thuật Đại chúng”, Andy Warhol đã mở rộng tiến trình sáng tạo của ông sang làm phim, nhiếp ảnh điêu khắc và thời trang. Với sự phát triển đa ngành của mình trong nghệ thuật, Andy Warhol đã để lại một di sản dài kì cho thế hệ sau.
Ở trong bài viết này, The Highball sẽ giúp các bạn hiểu về nghệ thuật của Andy Warhol và văn hóa nổi tiếng song hành ra sao, cũng như những ảnh hưởng nhất định của ông đến với văn hóa thời trang.
Những bức chân dung nổi tiếng
Nhắc đến Andy Warhol, người ta nhớ nhiều về những bức chân dung những người có ảnh hưởng cho đến các nhân vật chính trị. Trước khi có mạng xã hội, Andy Warhol là một trong những nghệ sĩ tạo ra cộng đồng siêu sao ở Mỹ.
Những năm đầu của sự nghiệp, Warhol chủ yếu vẽ tranh những biểu tượng của Mỹ, từ những tờ đô la, hộp súp Camphell’s, trước khi chuyển sang các bức chân dung người nổi tiếng.
Bức tranh “Shot Sage Blue Marilyn” đã trở thành tác phẩm được gõ búa cao nhất của thế kỉ 20, nằm trong chuỗi chân dung về nữ diễn viên Marilyn Monroe quá cố. Giai đoạn này, ông chuyển sang kĩ thuật in lụa mà mình mới học.
Vào năm 1969, ông đồng sáng lập tạp chí Interview - một sân khấu đúng nghĩa dành cho những người bạn nổi tiếng của ông. Thuật ngữ - Những siêu sao của Warhol - ra đời nhằm ám chỉ những người nổi tiếng được ông quảng bá trong những thập niên 1960 và 1970.
Bước ngoặt xuất hiện khi Warhol được các chính trị gia đặt hàng, ông bắt đầu mở rộng sang vẽ chân dung của các nhân vật thuộc bộ máy nhà nước. Trong số này, chân dung Mao Trạch Đông là tác phẩm gây tranh cãi và từng bị cấm trưng bày ở Bắc Kinh vào năm 2012.
Warhol chẳng ngần ngại chọn những gương mặt nổi bật của thế kỷ 20 làm đề tài, bất kể địa vị hay lĩnh vực. Sự mê mẩn của ông với người nổi tiếng chẳng khác gì một chiêu trò khéo léo - chiếm lấy hình ảnh của họ, rồi dùng chính hào quang của họ để nâng tầm sự nghiệp bản thân. Một nước cờ vừa tinh tế, vừa đầy toan tính!
Các tác phẩm in hàng loạt cũng phản ánh về một xã hội đã mất đi tính độc đáo, ông đã vén màn một thế giới nghệ thuật chỉ tập trung vào tiền chứ không phải là một sản phẩm chất lượng.
Giao lưu văn hóa trong nhà máy
Andy Warhol nhận ra rằng mình cần không gian lớn hơn và nhiều phụ tá hơn để phục vụ cho việc sáng tạo, thế nên, The Factory ra đời như một cá thể nghệ thuật. Từ năm 1963 cho đến 1987, xưởng vẽ đã thay địa chỉ 4 lần xung quanh thành phố New York.
Nhà máy là nơi mà Warhol làm việc in lụa, vẽ tranh, quay phim, thậm chí sản xuất ra ban nhạc The Velvet Underground. Một điều thú vị là cái tên “The Factory” được chính các vị khách đến thăm và tự đặt tên cho nơi này.
The Factory nổi tiếng hơn một xưởng vẽ bình thường vì đây là một tụ điểm giao lưu văn hóa của mọi lĩnh vực. Những buổi gặp gỡ này giúp Warhol có thể tìm kiếm những cơ hội hợp tác, cũng như người tham quan có thể xem quá trình ông làm việc ra sao.
Tuy nhiên, vào năm 1969, sau khi trải qua một vụ ám sát hụt, Warhol đã chuyển đổi The Factory quay trở lại thành một không gian làm việc “đúng nghĩa” cho đến khi ông mất.
Cá tính của một quý ông thời đại
Andy Warhol luôn xuất hiện với trang phục tối màu và đi cùng “người vợ” là chiếc máy ảnh Minox 35EL. Đặc biệt, ông gắn liền với quần jeans của Levi’s gần như cả đời, phối cùng chiếc áo cổ lọ tối màu với khoác áo đen bên ngoài, mang giày thể thao New Balance với điểm nhấn phải có bộ tóc giả màu trắng.
Sự hiện đại trong cách ăn mặc và mái tóc bạc khiến chúng ta cảm giác ông không hề già đi sau nhiều năm, bởi vì mọi bức ảnh ông đều… y như nhau. Phong cách chiết trung này được ông chọn để xuất hiện ở mọi sự kiện lớn nhỏ, mà hình ảnh nghệ sĩ trong ông không bị hòa lẫn với đám đông.
Thực tế, Warhol và thế giới thời trang đã có những ảnh hưởng qua lại. Ông từng có một thời gian ngắn làm người mẫu, thiết kế nhiều trang phục nữ, bạn bè của ông cũng nhiều người là dân thiết kế và biên tập tạp chí thời trang.
Là một “khách ruột” của Levi’s, Warhol từng thực hiện một áp phích "501 Blues" vào năm 1984 để quảng cáo mẫu quần “5- pocket” nổi tiếng. Cho đến năm 2005, Levi’s đã hợp tác với Warhol Factory ra mắt một bộ sưu tập giới hạn mà hiện nay được những người ai theo đuổi thời trang cổ điển săn lùng.
Ngoài ra, năm 2015, hãng giày Converse lựa chọn tái hiện lại mẫu giày mà Warhol từng mang, cũng như sử dụng bản thiết kế đặc trưng của dòng Chuck Taylor. Và đã từng có tin đồn rằng ông đã in lụa một số mẫu giày của Chuck Taylors vào những năm 1980.
Một năm sau, thương hiệu đường phố - Supreme - chọn bộ ảnh polaroid chụp tay đấm bốc Muhammad Ali. Nổi tiếng là một nhân vật mạnh mẽ và bộc trực khi xuất hiện, 4 bức ảnh mà Warhol thực hiện là những khoảnh khắc hiếm hoi mà Ali đang bình tâm và suy ngẫm.
Hơn cả một họa sĩ thông thường, Andy Warhol là một siêu sao của nghệ thuật đại chúng. Ông biết được cách để thu hút sự quan tâm của xã hội và đồng thời dùng chính tài năng của ông để phê phán nó.
Các thương hiệu thời trang vẫn hợp tác với di sản của ông như là một minh chứng trường tồn về những nhân vật biểu tượng của thế kỉ 20, sức hấp dẫn của họ vẫn còn lôi cuốn thế hệ ngày hôm nay.
Cuối cùng, văn hóa “15 phút để nổi tiếng” của Warhol khép lại bằng lời bình về một xã hội chỉ quan tâm những hào nhoáng phù phiếm, như những bản in hàng loạt mà ông phục vụ cho giới thượng lưu.
Comments