Khi nhắc đến Carhartt - thương hiệu workwear (trang phục lao động) đình đám của Mỹ - người ta thường nghĩ ngay đến những chiếc quần double-knee như một biểu tượng của thương hiệu này.
Thế nhưng với những người “chơi đồ” Carhartt lâu năm, còn một item không thể thiếu nữa khi nhắc đến hệ sinh thái của họ. Đó chính là Detroit Jacket, chiếc áo khoác được xem như một tượng đài trong thế giới thời trang nam do thiết kế đơn giản, vượt thời gian của nó. Hãy cùng The Highball “soi” xem có gì thú vị về chiếc áo này nhé!
Lần đầu tiên được giới thiệu vào năm 1954, chiếc áo Detroit Jacket ban đầu được Carhartt đặt cho một cái tên hết sức đơn giản là “Zipper Jacket” - vì tất cả các mẫu áo khoác trước đó của thương hiệu này đều dùng nút bấm - đây là sản phẩm đầu tiên của Carhartt có sử dụng một công nghệ “hoàn toàn mới” lúc bấy giờ - dây khoá kéo.
Chiếc áo có thiết kế vô cùng đơn giản, với phần cổ áo bẻ ra ngoài tương tự áo sơmi, cổ tay áo và hai bên thân áo có nút điều chỉnh độ rộng, cùng với đó là hai túi chéo trước bụng và một túi nằm ngang trên ngực trái.
Điểm nổi bật của chiếc áo này chính là phom dáng của nó, với phần thân ngắn, nằm trên thắt lưng, tương tự với mẫu áo khoác đồng phục quân đội Mỹ lúc bấy giờ. Trước đó, khi nhắc đến “work jacket” áo khoác lao động, người ta thường hay nghĩ đến những mẫu áo khoác có thân dài đến giữa đùi của người mặc (nay còn được biết đến với cái tên chore jacket).
Việc làm ngắn thân áo của Carhartt cũng là một bước tiến mang tính thời đại, vì vào giai đoạn đó, người công nhân cơ khí bắt đầu sử dụng thắt lưng để đeo nhiều thiết bị như kềm, búa… thân áo ngắn nằm trên thắt lưng sẽ giúp người công nhân dễ dàng sử dụng áo với thắt lưng đeo thiết bị của mình.
Chiếc áo khi được giới thiệu ra thị trường còn được miêu tả với cái tên “áo khoác Eisenhower”, vì phần thân áo ngắn trên thắt lưng được cho là lấy cảm hứng từ chiếc áo khoác quân đội Mỹ đặt theo tên của tổng thống Eisenhower lúc bấy giờ.
Một điều thú vị là, phiên bản đầu tiên của chiếc áo này được làm từ vải denim và toàn bộ áo có màu xanh indigo. Đến năm 1955, phiên bản kế tiếp của nó, chiếc áo này mới được sản xuất với chất vải duck canvas có màu nâu kinh điển - ngày nay còn được gọi là “Carhartt brown” - màu nâu của Carhartt. Phần cổ áo từ đó cũng được làm bằng vải corduroy để tránh cảm giác khó chịu khi cọ xát vào gáy người mặc của chất liệu duck canvas, vốn cứng và thô ráp.
Không ai biết cái tên “Detroit Jacket” đến từ đâu, có một số tài liệu nói rằng vào năm 1998 Carhartt bắt đầu chính thức sử dụng tên này cho mẫu áo khoác của mình. Họ mượn tên sản phẩm từ Carhartt WIP - Work In Progress - một phân nhánh của Carhartt ở Châu Âu, tập trung vào các sản phẩm thời trang. Nhưng điều này là không rõ ràng.
Có lẽ chúng ta nên lược bỏ phần phát triển của chiếc Detroit Jacket này qua hàng thập kỷ, kéo dài từ lúc ra đời đến những năm 2000, với vô vàn những mã sản phẩm đại diện cho những biến thể khác nhau từ màu sắc, đến chất liệu, các chi tiết và phần lót trong tuỳ theo thời tiết.
Điều khiến Detroit Jacket trở thành một biểu tượng thời trang nam khá giống với những món đồ workwear khác, đó chính là việc nó gắn liền với cuộc sống của người lao động Mỹ, từ đó xuất hiện nhiều trong văn hoá hip-hop vào đầu những năm 1990. Các rapper đình đám của giai đoạn này như Tupac, Naughty by Nature, Eazy-E… đều sở hữu những chiếc áo khoác, quần hoặc nón len Carhartt khi xuất hiện trước công chúng.
Thiết kế cứng cáp bởi chất vải dành cho công trường, khi được mặc oversize kết hợp với hoodie và những đôi giày sneakers cùng thời đại như Air Force 1, adidas Superstar… Detroit Jacket trở thành một phần không thể thiếu khi bạn muốn trở thành người sành điệu vào giai đoạn đó.
Thậm chí vào năm 1989, hãng đĩa Tommy Boy Records - nơi đã làm nên tên tuổi của các nghệ sĩ hip-hop lớn như Queen Latifah, De La Soul, Prince Paul… đã mua lại một lô 800 áo Detroit Jacket từ một cửa hàng, cho thêu lên lưng áo và ngực phải logo của họ cùng với artwork của một nhãn hiệu thời trang mới ra đời lúc bấy giờ là… Stussy. Những chiếc áo này được phát hành riêng cho nhân viên và nghệ sĩ của hãng đĩa lúc đó.
Không cần nói thêm chắc các bạn cũng sẽ đoán được, một chiếc áo Detroit Jacket của Tommy Boy ngày nay được định giá trong khoảng từ 3,000 đến 5,000 USD bởi nhà đấu giá Sotheby’s.
Phiên bản các bạn sẽ thường bắt gặp nhất trên các diễn đàn hoặc các cửa hàng vintage hiện nay của chiếc Detroit Jacket là J97 - một phiên bản được ra mắt vào khoảng năm 2000 và được sản xuất kéo dài cho đến năm 2019.
Bởi vì trước đó có quá nhiều biến thể của Detroit Jacket, nhưng J97 là phiên bản có thời gian được sản xuất kéo dài nhất (khả năng dẫn đến việc có số lượng được xuất xưởng nhiều nhất) nên chúng ta có thể tạm xem đây là một phiên bản “tiêu chuẩn” của bài viết này.
J97 cũng đánh dấu việc Carhartt bắt đầu chuyển dây chuyền sản xuất của mình ra các nước phát triển để giảm thiểu chi phí, cùng với đó là việc xử lý bề mặt vải mềm hơn, tạo cảm giác thoải mái ngay từ khi mới mua cho người mặc.
Một phiên bản khác cũng được nhiều người nhắc đến là phiên bản J001 - được bắt đầu ra mắt vào khoảng năm 2011 - đây là phiên bản được sản xuất tại Mỹ, với chất vải còn nguyên bề mặt thô cứng, đòi hỏi người mặc phải có thời gian “break-in” - tương tự như quần raw denim.
Có thể nói J001 là một phiên bản “premium” hơn của J97 mà ở đó, Carhartt muốn lưu giữ lại một số giá trị truyền thống của họ.
Như đã nhắc đến ở trên - năm 2019, Carhartt đã ngưng sản xuất phiên bản J97 và J001 - vốn được những người yêu Detroit Jacket xem là tiêu chuẩn cho cuộc chơi - mà thay vào đó cho ra đời phiên bản có mã 103828.
Chiếc Detroit Jacket “đời mới” này mang theo những thay đổi được cho là cải thiện công năng, phù hợp với nhu cầu sử dụng của người lao động hơn. Nổi bật nhất là phần vạt sau của áo được làm dài ra để che phần lưng dưới sẽ bị hở khi người công nhân ngồi xổm hoặc khom lưng. Phần gài nút để điều chỉnh độ rộng của thân áo cũng không còn nữa. Phần điều chỉnh cổ tay áo cũng được thay bằng một thiết kế quai thẳng trông hiện đại hơn là phần cổ tay “Detroit” trên phiên bản truyền thống.
Hãy hết sức để ý ba chi tiết này khi bạn tìm mua Detroit Jacket nhé!
Như một sự thật hiển nhiên, những thay đổi này đã khiến chiếc áo Detroit phiên bản mới nhất bị những người yêu thời trang tẩy chay. Từ đó vô tình đẩy giá của những chiếc J97 và J001 lên cao trên thị trường đồ vintage do giá trị sưu tầm của chúng.
Vẫn còn một cách để bạn có thể mua được những chiếc Detroit Jacket đúng với chuẩn J97 đó là mua chúng từ một phân nhánh khác của Carhartt là WIP - Work In Progress, phân nhánh chuyên về thời trang của Carhartt tại Châu Âu. Tuy nhiên điều này đồng nghĩa với việc bạn sẽ phải trả giá gấp 2 hoặc thậm chí 3 lần so với việc mua áo từ trang web Carhartt truyền thống của Mỹ.
Cũng giống như âm nhạc hip-hop, điện ảnh cũng đóng một phần quan trọng giúp người ta nhớ đến Carhartt như một biểu tượng của thời trang Mỹ. Một trong những lần gần đây nhất chiếc áo Detroit Jacket xuất hiện trên màn bạc là trong bộ phim Interstellar khi được nhân vật chính Joseph Cooper (do Matthew McConaughey thủ vai) mặc trên người. Lần xuất hiện đó cũng đã gây nên một cơn “sốt nhẹ” khi người ta lùng sục tìm mua mẫu áo này sau khi xem phim.
Carhartt Detroit Jacket một lần nữa nhắc nhở chúng ta về sức mạnh vượt thời gian của những trang phục có thiết kế đơn giản, đề cao tính công năng trong sử dụng và độ bền của chúng được đầu tư đúng mức. Cùng với đó là hành trình gắn liền với những subculture để dần trở thành một biểu tượng thời trang.
Qua nhiều năm, với nhiều biến thể được sản xuất, việc tìm hiểu thông tin về thiết kế, lịch sử… khiến việc tìm mua và sở hữu chúng trở nên thú vị và đặc biệt hơn rất nhiều. The Highball hi vọng bài viết này đã mang lại cho các độc giả một cái nhìn tổng quan về Detroit Jacket giúp các bạn tìm mua được một chiếc áo thật ưng ý cho bản thân mình.
Comments