Dickies - Từ Chiến Trường Đến Đường Phố | The Highball Story
- Trường Tồn
- Sep 22, 2024
- 5 min read
Updated: Oct 8, 2024
Dickies “trở về” cùng những người lính sau khi đồng hành cùng họ trên chiến trường với sự bền bỉ của mình. Sau đó, thương hiệu lại tiếp tục hòa nhập cùng những người đàn ông qua các trang phục lao động như quần yếm, quần áo lao động ở hậu chiến tranh
Từ sự thích nghi nhanh chóng với nhịp sống đời thường, Dickies trở thành một lựa chọn hàng đầu của người dân Hoa Kỳ về trang phục lao động hay thời trang hàng ngày. Bởi sự linh hoạt này, Dickies trở thành giá trị lịch sử và niềm tự hào của người Mỹ - từ chiến trường đến đường phố.
Hãy cùng The Highball tìm hiểu cách Dickies từ một thương hiệu nhỏ giành lấy cơ hội sản xuất quần áo cho những người lính trong thế chiến và trở thành một thương hiệu thời trang như thế nào nhé!

Trở thành một phần của chiến tranh
Dickies được thành lập bởi công ty U.S. Overall vào năm 1918 tại Texas - chuyên sản xuất quần yếm và dây đeo với hai người đồng sáng lập là C.N. Williamson và E.E. “Colonel” Dickie.
Đến năm 1922, một tập đoàn gồm Don Williamson, cha và anh họ của ông đã mua toàn bộ công ty sản xuất đồ yếm, sau đó đổi tên thành Williamson-Dickies.
Khi chiến tranh thế giới thứ hai bắt đầu, Dickies bắt đầu sản xuất dòng sản phẩm ‘Soldiers of Supply’ để phục vụ cho quân đội Mỹ. Thương hiệu đã đáp ứng một cách hoàn hảo với những sản phẩm không chỉ đạt tiêu chuẩn khắt khe của quân đội mà còn được công nhận rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp khác.
Những thiết kế của Dickies đã vượt qua mục đích sử dụng ban đầu, trở thành một biểu tượng của nước Mỹ, phản ánh tinh thần lao động và sự kiên trì.

Phải đối mặt cuộc Đại khủng hoảng xuất hiện vào năm 1930, Dickies vẫn tiếp tục phát triển và tạo công ăn việc làm cho người dân tại đây. Trên thực tế, họ đã mở rộng một dòng sản phẩm mới: Don Juvenile - một dòng sản phẩm dành cho giới trẻ.

Dickies và những người đàn ông sau chiến tranh
Chiến dịch "Men of Production" được Dickies giới thiệu vào năm 1950, khi nước Mỹ đang trong giai đoạn tái thiết sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Đây là thời kỳ mà xã hội Mỹ khao khát sự ổn định và phát triển, đồng thời nhu cầu về trang phục cũng thay đổi để đáp ứng nhịp sống mới này.

"Men of Production" nhấn mạnh việc tôn vinh những người đàn ông đóng vai trò trụ cột trong gia đình, những người làm việc chăm chỉ để nuôi dưỡng và bảo vệ tổ ấm của mình. Các sản phẩm như quần denim của Dickies được sản xuất từ những chất liệu bền bỉ, phù hợp với môi trường lao động sau chiến tranh nhưng vẫn đảm bảo sự thoải mái nhất định.

Mở đầu một kỉ nguyên mới
Vào thập niên 1960, khi văn hóa Mod bùng nổ, Dickies nhanh chóng nắm bắt cơ hội bằng cách giới thiệu chiến dịch "Campus Tigers." Chiến dịch này tập trung vào việc tạo ra những sản phẩm thời trang thanh lịch, tinh tế, đặc biệt hướng đến đối tượng sinh viên đại học, những người luôn tìm kiếm phong cách trẻ trung và hiện đại.

Đến giữa thập niên 60, Dickies đã nhanh chóng nắm bắt làn sóng văn hóa xe hơi đang phát triển mạnh mẽ và tổ chức các sự kiện "Slack Rallies" - một sự kết hợp độc đáo giữa đua xe và thời trang. Đây là chiến lược quảng bá đầy sáng tạo khi Dickies đã khéo léo nhắm vào niềm đam mê của cánh mày râu đối với xe cộ và trang phục.

Những năm 1970 - 1980 đã đánh dấu một bước ngoặt lớn của thương hiệu. Dickies cùng với khẩu hiệu "We're Basic" nhằm tôn vinh những giá trị cốt lõi và tầm quan trọng của những trang phục cơ bản nhưng luôn cần thiết và đáng tin cậy trong cuộc sống hằng ngày. Thông qua đó, Dickies dần khẳng định vị thế của thương hiệu trong ngành thời trang, đặc biệt là phân khúc quần áo lao động và trang phục đời thường.

Từ biểu tượng lao động đến văn hóa đường phố
Trong quá trình hình thành và phát triển của bộ môn trượt ván, Dickies đã vươn lên trở thành biểu tượng không thể thiếu đối với các skater.
Đặc biệt, hai chiếc quần 874 và Double-knee của thương hiệu đã chiếm trọn lòng tin của cộng đồng này nhờ vào sự kết hợp hoàn hảo giữa tính thoải mái và thời trang - những yếu tố cần thiết khi chọn trang phục trượt ván. Với thiết kế đơn giản và phom dáng rộng rãi, những chiếc quần này hoàn toàn phù hợp với tinh thần tự do và phong cách phóng khoáng của văn hóa trượt ván.

Song song đó, làn sóng văn hóa hip-hop bùng lên mạnh mẽ vào những năm 1990. Các rapper biểu tượng như 2Pac, Snoop Dog hay thậm chính nhóm nhạc rap huyền thoại N.W.A đã đưa Dickies trở thành "đồng phục" của họ.
Hình ảnh những bộ quần áo bụi bặm của Dickies đã nhanh chóng lan tỏa khắp các con phố, không chỉ tạo nên một phong cách đặc trưng mà còn biến Dickies thành biểu tượng không thể thiếu của văn hóa đường phố. Sự kết hợp giữa âm nhạc và thời trang này đã biến thương hiệu trở thành một phần không thể tách rời của phong cách sống của giới trẻ, đặc biệt trong cộng đồng hip-hop.

Ban đầu, Dickies là một nơi cung cấp trang phục cho những người lính nơi chiến trường, giúp họ trở về với cuộc sống lao động hàng ngày.
Qua thời gian, thương hiệu này đã khéo léo len lỏi vào đời sống thường nhật với các dòng sản phẩm đa dạng, và trở thành một phần không thể thiếu trong các nền văn hóa khác nhau thông qua các chiến lược đầy sáng tạo.
Hơn 100 năm hình thành và phát triển, Dickies vẫn khẳng định được dấu ấn mạnh mẽ trong lòng những tín đồ thời trang, đặc biệt là trong phong cách streetwear. Nhờ vậy, Dickies không chỉ duy trì vị thế của mình như một biểu tượng thời trang mà còn kết nối các thế hệ và nền văn hóa khác nhau!
Hiện nay các bạn độc giả có thể tìm mua các sản phẩm của Dickies tại đây.
コメント