Fatigue Pants - chiếc quần “mệt mỏi”, hoặc còn được biết đến với cái tên Baker Pants - chiếc quần “của thợ làm bánh”, hoặc ở một số nơi đơn giản hơn, lại được gọi là Military Pants - quần lính.
Điều gì đã khiến một chiếc quần có thiết kế đơn giản, đặc trưng với màu xanh rêu, lại sở hữu những cái tên rất không liên quan như thế này?
Hãy cùng The HighBall tìm hiểu vì sao chiếc quần này lại trở thành một món đồ được các tín đồ thời trang nam săn đón ngày nay nhé!
-----------------
Chiếc quần Fatigue hay còn được nhắc đến với cái tên quần OG-107. OG là hai chữ cái viết tắt của “Olive Green” - xanh olive, còn 107 là mã màu của màu “xanh rêu” trong bảng quy cách màu đồng phục của quân đội Mỹ.
Ảnh: Bullfax
Ban đầu, chiếc quần sử dụng phổ biến trong quân đội vì màu sắc xanh thuận lợi cho việc ngụy trang. Thiết kế đơn giản của chiếc quần cũng giúp cho việc sửa chữa và sinh hoạt hằng ngày có phần linh hoạt hơn với binh lính Mỹ. Dần dần chiếc quần này đã được quân đội Mỹ tin dùng và được quy định là đồng phục cho quân đội vào năm 1949.
Sự hiện diện của chiếc quần bắt đầu được thế giới biết tới rộng rãi hơn thông qua bộ đồng phục của quân đội Mỹ trong hai cuộc xung đột lớn của thế giới (Chiến tranh Lạnh và Chiến tranh Việt Nam) vào những năm 1952.
Vậy bạn đã biết tại sao chiếc quần này lại có những tên gọi khác như là Baker Pants, Fatigue Pants hay Military Pants chưa?
Đầu tiên là “thuật ngữ” thường được các thương hiệu thời trang và các tín đồ gọi với cái tên là Fatigue Pants hay còn được gọi là “Chiếc quần mệt mỏi”. Chiếc quần thường được mọi người biết tới là chiếc quần đồng phục luyện tập và sinh hoạt của các binh lính Mỹ. Hàm ý của tên gọi này chỉ các công việc nặng nhọc, khó khăn của các người lính.
Tiếp theo đến với Baker Pants - Chiếc quần của thợ làm bánh là thuật ngữ thường được mọi người biết tới thông qua cách gọi của người Nhật. Nhiều thông tin cho rằng tên gọi này xuất hiện vì chiếc quần này thường được mặc bởi những thợ làm bánh. Ngược lại, nhiều thông tin khác lại cho rằng vì phần túi đặc trưng của chiếc quần này có hình dáng giống lát bánh mì. Và sự thật sự là không ai biết tại sao lại có tên gọi này, chỉ biết được là tên gọi này đã xuất hiện vào năm 1990 tại Nhật.
Và cuối cùng tên gọi được nhiều người gọi một cách vô tư và đơn giản là Military Pants - quần lính. Cái tên này được nhiều người gọi bởi vì màu sắc đặc trưng của chiếc quần là xanh rêu và được sử dụng trong quân đội.
Đặc trưng dễ nhận biết ở chiếc quần là phần button fly - phần cài nút phía trước, patch pockets - 4 chiếc túi vuông và hệ thống điều chỉnh tăng/giảm kích thước vòng eo.
Vậy thì điều gì đã làm cho chiếc quần này trở thành một món đồ thời trang ?
Sau Thế chiến thứ 2, khi nhu cầu về số lượng quần áo quân đội dần giảm đi do chiến tranh đã kết thúc. Nhiều các sản phẩm quân dụng dư thừa bắt đầu được bày bán rộng rãi trên thị trường đặc biệt là ở các cửa hàng tổng hợp. Chiếc quần vô tình được mọi người ưa chuộng và sử dụng trong đời sống hằng ngày vì có giá thành rẻ nhưng lại có thiết kế đơn giản, dễ mặc và chất lượng tiêu chuẩn của quân đội. Dần dần, chiếc quần xuất hiện khắp trên các mặt phố của nước Mỹ như một trang phục thường ngày của người dân.
Ngày càng đi sâu vào cuộc sống của người dân, chiếc quần bắt đầu tạo nên tên tuổi của mình với thế giới khi bắt đầu xuất hiện trên các bộ phim và truyền hình của Mỹ. Với sự xuất hiện thông qua các bộ trang phục của diễn viên trên màn ảnh và các nghệ sĩ, mọi người trên thế giới bắt đầu cho rằng đây là một món đồ thời trang ở Mỹ và đã bắt đầu săn lùng chiếc quần này.
Một điều đặc biệt làm cho chiếc quần Fatigue được mọi người yêu thích đó chính là màu sắc xanh rêu trung tính có phần đặc biệt và độc nhất. Dù màu sắc xanh rêu có phần nổi bật nhưng lại dễ dàng phối với các màu sắc khác như trắng, đen, xám,... Ngoài ra, chiếc quần gắn liền với hình ảnh của người lính phần nào đó tạo cho người mặt cảm giác khỏe khoắn và năng động.
Nếu đã quá nhàm chán với các màu indigo của quần jeans hay màu đen đơn giản thì chiếc quần Fatigue màu xanh rêu là một món đồ có thể giúp bạn thay đổi màu sắc trang phục hằng ngày.
Một trong các quốc gia đón nhận hơi thở thời trang này từ Mỹ là Nhật Bản. Ngày nay chúng ta có thể nhận thấy qua phong cách Ametora - “phong cách truyền thống Mỹ”, chiếc quần với màu sắc rêu được các tín đồ thời trang Nhật Bản diện và ăn mặc phổ biến.
Từ một chiếc quần sinh ra để dành cho các binh lính quân đội, giờ đây chiếc quần đã trở thành một món đồ thời trang được nhiều người diện hằng ngày. Nét đẹp của chiếc quần không chỉ thể hiện thông qua sự cổ điển ở vẻ bề ngoài mà còn vì sự đơn giản và tính ứng dụng của nó.
-------------
The Highball tin rằng, ngoài các chiếc quần chinos và denim thì quần Fatigue cũng là một món đồ mà mọi người nên sở hữu trong tủ đồ. Chiếc quần màu xanh rêu này không chỉ mang trong mình nét đẹp cổ điển mà còn mang lại cái nhìn phóng khoáng và năng động. Nếu bạn muốn một chiếc quần có thể đa dạng với nhiều phong cách và các hoạt động khác nhau thì chiếc quần Fatigue sẽ là sự lựa chọn mà bạn không thể bỏ qua.
Kommentarer