Trước đây, khi áo khoác da gắn liền với binh lính và những kẻ nổi loạn, giờ đã trở thành món đồ yêu thích của các giáo sư nổi tiếng. Quần áo bảo hộ, vốn được thiết kế cho công nhân đường sắt và tù nhân làm việc nặng, nay đã trở nên phổ biến và có mặt ở khắp mọi nơi.
Hay ít ai có thể ngờ rằng một chiếc áo chambray lại có thể di chuyển từ trang trại, lên tàu chiến, xuất hiện tại các phim trường Hollywood và đến thẳng tủ quần áo của bạn. Điều này càng rõ ràng hơn khi chúng ta nói về chiếc áo FFA Jackets - mang tính biểu tượng của Nông dân Tương lai Hoa Kỳ.
Chiếc áo khoác FFA là minh chứng rõ ràng nhất cho sự chuyển mình từ tính ứng dụng của trang phục sang biểu tượng thời trang cổ điển. Ban đầu chiếc áo được thiết kế để phục vụ cho các hoạt động nông nghiệp nhưng sau đó đã vượt qua ranh giới của các trang trại và trở thành món đồ thời trang được săn đón.
Để có thể hiểu rõ hơn về hành trình này, các độc giả hãy cùng The Highball tua ngược thời gian và quay về thời điểm chiếc áo FFA jackets được ra đời nhé!
Nguồn gốc và lý do tạo ra FFA Jackets
FFA là viết tắt của cụm từ Future Farmers of America - Nông dân Tương lai Hoa Kỳ - là một tổ chức sinh viên tập trung vào nền giáo dục nông nghiệp. Tên chính thức của tổ chức hiện nay được gọi là National FFA Organization và đã tồn tại từ năm 1928.
Từ vùng nông thôn nước Mỹ đến Bờ Tây, chiếc áo khoác FFA đã trở thành biểu tượng tại Hoa Kỳ so với vai trò ban đầu là một bộ đồng phục. Tuy nhiên, chiếc áo khoác được nhiều người biết đến bắt nguồn từ Fredericktown, Ohio lại có khởi đầu khá khiêm tốn.
Năm 1933, cố vấn của FFA - Gus Linter - tìm thấy một chiếc áo khoác corduroy màu xanh treo bên trong một cửa hàng kim khí địa phương. Ngay lập tức, ông liền mua chiếc áo khoác, sau đó kết nối với một nhà cung cấp và đặt tên chi nhánh của mình là Fredericktown FFA, được khâu ở mặt sau áo bằng chữ vàng.
Trong cùng năm tại Hội nghị Quốc gia, chi nhánh của Linter đã trình làng mẫu áo khoác mới. Với chất liệu vải corduroy bền bỉ và thịnh hành trong giới trẻ, thiết kế này nhanh chóng chiếm được cảm tình. Sau đó, các đại biểu của tổ chức đã bỏ phiếu thông qua, chính thức phê duyệt mẫu áo khoác này trở thành trang phục chính thức của các thành viên FFA.
Điều gì tạo nên một chiếc áo khoác FFA?
Mặc dù có một số thay đổi kể từ khi ra đời nhưng chiếc áo khoác FFA luôn được biết đến với loại vải corduroy - hay còn là vải nhung màu xanh hải quân cùng với những đường khâu xích vàng đặc trưng ở ngực trước và phía sau áo.
Phía ngực trái được thêu nổi bật với huy hiệu FFA - mang hình ảnh của Đại bàng và Cú canh gác những trang trại dưới ánh bình minh. Bên phải ngực sẽ là tên và chức vụ được thêu tinh tế. Mặt sau áo nổi bật với huy hiệu FFA kích thước lớn, phía trên là tên tiểu bang và bên dưới là tên thị trấn hoặc thành phố, tạo nên sự hài hòa của tổng thể chiếc áo.
Không có gì ngạc nhiên khi những chiếc áo khoác FFA được săn đón nhiều nhất là những phiên bản thế hệ đầu tiên được thiết kế có nút bấm, đai hông, túi chữ D có phần viền may thành đường mũi tên và cổ áo cossack hở. Theo thời gian, phần nút bấm đã được thay thế bằng khóa kéo, dây đai bên hông đã được loại bỏ và túi đã được đơn giản hóa.
Chiếc áo khoác này không chỉ vươn lên từ những khởi đầu khiêm tốn để trở thành biểu tượng của một tổ chức quan trọng tại Hoa Kỳ mà còn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến thị hiếu về quần áo nói riêng và thời trang nói chung.
Sự phát triển và thay đổi qua các thập kỷ của chiếc áo khoác FFA
Xuất hiện lần đầu vào những năm 1930, mục đích của chiếc áo khoác FFA là tạo ra một bộ đồng phục biểu trưng cho các thành viên trong tổ chức FFA. Phần patch logo ban đầu với hình ảnh cây lúa và chiếc trống, biểu thị các ngành nghề nông nghiệp. Logo này không chỉ thể hiện sự tự hào của các thành viên mà còn khẳng định tầm quan trọng của nông nghiệp trong xã hội Mỹ bấy giờ.
Trong những thập niên tiếp theo, đặc biệt là vào những năm 1950 và 1960, chiếc áo khoác nhanh chóng trở thành biểu tượng văn hóa của thanh niên nông thôn. Các chi tiết trên phần patch logo đã được cải tiến với hình ảnh cây lúa được cách điệu hóa và chữ "FFA" được thêu nổi bật để dễ nhận diện hơn.
Những năm 1970 và 1980 đã chứng kiến sự thay đổi lớn trong tổ chức FFA, bao gồm việc chấp nhận phụ nữ và các thành viên từ các lĩnh vực khác ngoài nông nghiệp. Điều này đã dẫn đến việc thiết kế của chiếc áo khoác FFA cũng phải được cải tiến.
Phần patch logo giờ đây không chỉ đơn thuần là cây lúa; nó đã trở nên đa dạng hơn với nhiều hình ảnh và biểu tượng khác nhau - phản ánh sự phong phú của những ngành nghề mà các thành viên theo đuổi.
Đến thập niên 90s và 00s, chiếc áo khoác này đã vượt ra ngoài biên giới của nền nông nghiệp Hoa Kỳ. Thiết kế áo được hiện đại hóa với những chất liệu nhẹ hơn và dễ bảo quản. Phần patch logo không chỉ được thêu ở ngực áo mà còn xuất hiện ở nhiều vị trí khác, cho phép người mặc thể hiện cá tính và phong cách riêng.
Biểu tượng thời trang và văn hóa qua các bộ phim điện ảnh
Áo khoác FFA đã trải qua một hành trình đầy biến đổi, từ đồng phục truyền thống đến việc trở thành biểu tượng của văn hóa thời trang cổ điển. Sự xuất hiện của chiếc áo khoác FFA trong các bộ phim lấy bối cảnh xã hội tại Hoa Kỳ đã góp phần quan trọng trong việc lan tỏa hình ảnh của chiếc áo.
Chiếc áo khoác FFA trong Napoleon Dynamite là một trong những biểu tượng rõ nét nhất cho phong cách độc đáo và khác biệt của nhân vật Napoleon. Chiếc áo không chỉ đơn thuần là một trang phục, mà còn phản ánh sự lạc lõng và phong cách lập dị của Napoleon trong môi trường học đường và xã hội.
Chiếc áo khoác FFA mang vẻ hoài cổ, kết hợp với sự tự tin kỳ quặc của Napoleon, trở thành biểu tượng cho sự độc đáo, không tuân theo quy tắc thời trang thông thường. Mặc dù tổ chức FFA thường gắn liền với những người trẻ có đam mê về nông nghiệp, nhưng khi Napoleon khoác lên mình chiếc áo này, anh đã biến nó thành một tuyên ngôn cá nhân – kết nối với tinh thần ngẫu hứng, hoài cổ và pha chút hài hước.
Còn trong văn hóa thời trang, chiếc áo khoác FFA trở thành niềm cảm hứng cho các thương hiệu nổi tiếng tại Nhật Bản và cho ra mắt các phiên bản độc đáo gắn liền với tinh thần của họ.
Studio D’Artisan - thương hiệu danh tiếng trong làng denim - đã gây ấn tượng mạnh vào năm 2021 khi tung ra mẫu áo SDA Embroidery Jacket – chiếc áo khoác nổi bật với hai phối màu đỏ và xanh navy đặc trưng của dòng áo FFA.
Sản phẩm này được thiết kế với khóa kéo tinh tế, dây thắt hai bên hông, cùng túi chữ D tiện lợi, mang đến sự linh hoạt cho người mặc. Điểm nhấn đáng chú ý chính là patch logo với hình ảnh “chú heo” đặc trưng của thương hiệu và dòng chữ Quality Garment được thể hiện qua các đường may móc xích vàng sắc tỉ mỉ, tạo nên một tổng thể vừa độc đáo vừa có phần vui nhộn.
FFA Jackets đã trải qua một hành trình ấn tượng - từ lần đầu xuất hiện vào năm 1933 tại Đại hội FFA Quốc gia cho đến khi trở thành một phần của thời trang cổ điển. Không chỉ đơn thuần là một bộ đồng phục, chiếc áo khoác này còn thể hiện giá trị niềm tự hào về nông nghiệp và sự kết nối cộng đồng.
Với thiết kế mang đậm dấu ấn cổ điển cùng những nét đặc trưng về lịch sử, chiếc áo khoác này luôn là một mảnh ghép không thể thiếu trong bộ sưu tập của những tín đồ đam mê thời trang cổ điển.
Sở hữu một chiếc áo khoác FFA không chỉ đơn thuần là việc bổ sung một món đồ vào tủ quần áo, mà còn là cách để người mặc kết nối với quá khứ, hòa mình vào dòng chảy của thời gian và văn hóa này!
Comments