Flannel: Lời Đáp Của Con Người Với Thiên Nhiên | The Highball Story
- Châm Khanh
- Feb 10
- 8 min read
Có thể nói, flannel không còn là chất liệu quá xa lạ trong đời sống hiện nay. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những chiếc áo sơ mi flannel ở mọi ngóc ngách đường phố, từ các con phố sầm uất, nơi giảng đường đến những buổi tụ tập thân mật. Nhưng có bao giờ bạn đọc thoáng thắc mắc về nguồn gốc của chất liệu vải này chưa?
Chắc hẳn, với vẻ ngoài bụi bặm, phong trần, cả flannel cũng khiến nhiều người ngờ ngợ đoán được phần nào xuất xứ của nó, nhưng đó không phải là tất cả. Dù ban đầu xuất phát điểm của flannel đến từ nhu cầu thiết thực của con người trong lao động và sinh hoạt, nhưng chính sự giản dị và bền bỉ ấy lại trở thành bệ phóng đưa nó âm thầm ghi tên vào dòng chảy lịch sử của thời trang nhân loại.
Câu chuyện đằng đó còn hấp dẫn hơn nhiều. Sau đây, hãy cùng The Highball Vietnam ngược dòng thời gian về những năm 1600, để cùng xem cách flannel ghi dấu vào từ điển thời trang đại chúng nhé!

Câu chuyện bắt đầu tại xứ Wales
Câu chuyện của flannel bắt đầu tại xứ Wales vào những năm 1600, nơi loại vải này ra đời không chỉ như một sáng kiến thực dụng mà còn là lời đáp của con người trước điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Cái tên “flannel” vốn xuất phát từ “gwlanen” trong tiếng xứ Wales có nghĩa là “vật phẩm từ len”, gợi nhắc đến sự gắn bó sâu sắc giữa người dân nơi đây cùng nguồn tài nguyên phong phú.
Xứ Wales, vốn được biết đến bởi khí hậu lạnh giá, ẩm ướt cùng những con gió lộng, bởi thế người dân nơi cần những bộ trang phục vừa bền bỉ vừa ấm áp. Vào cuối thế kỷ 17, những người thợ dệt xứ Wales đã khéo léo tận dụng len dư từ cừu – một nguồn tài nguyên gần gũi và sẵn có – để tạo nên loại vải flannel. Thông qua kỹ thuật chải len, những sợi len rối dần được làm mềm và xử lý cẩn thận để tạo thành một loại vải vừa mềm mại, thoải mái nhưng chắc chắn và có khả năng giữ ấm tốt.
Có lẽ vì thế, đi cùng với đặc trưng “vừa rẻ vừa bền”, flannel nhanh chóng trở thành giải pháp phục trang tiêu biểu trong tầng lớp lao động vùng đất Wales. Đi qua năm tháng, sức hút của flannel không còn gói gọn ở biên giới Wales, bởi nhận thấy tiềm năng và công dụng to tới lớn của loại vải này, các nhà máy dệt từ Anh và Pháp nhanh chóng áp dụng kỹ thuật sản xuất flannel trên khắp đất nước.

Lan rộng khắp Châu Âu, nơi mỗi quốc gia là một câu chuyện riêng
Đi cùng với làn sóng Cách mạng Công nghiệp tại Châu Âu, flannel không chỉ đơn thuần là một loại vải lao động mà dần trở thành một biểu tượng của thời trang công nghiệp. Từ những sợi len thừa của cừu, qua sự sáng tạo của con người và sự tác động của môi trường nó đặt chân đến, flannel không chỉ mang trong mình sự bền bỉ và tiện dụng, mà ở mỗi quốc gia, với những bản sắc riêng, đã góp phần viết tiếp câu chuyện flannel, làm phong phú thêm lịch sử và ý nghĩa của nó.
Tại xứ Wales, cái nôi của flannel, loại vải này không chỉ là thành phẩm sự khéo léo trong kỹ thuật dệt mà còn là minh chứng cho khả năng thích nghi của con người với thiên nhiên khắc nghiệt. Với khí hậu lạnh giá đặc trưng, flannel trở thành giải pháp thiết yếu giúp người dân xứ Wales chống lại cái rét buốt. Hơn thế, qua từng sợi len nguyên chất, flannel phản ánh không chỉ sức mạnh bền bỉ của thiên nhiên mà còn là câu chuyện về sự kiên cường trong lao động của người dân nơi đây. Mỗi tấm vải không chỉ giữ ấm mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa và truyền thống của cộng đồng, kết tinh trong đó là niềm tự hào và sức sống mãnh liệt của một dân tộc.
Khi flannel “đặt chân” đến Scotland vào thế kỷ 19, vượt ra khỏi khuôn mẫu của một chất liệu vải được chuyển giao, flannel được tái sinh qua bàn tay sáng tạo của người dân nơi đây. Tại Scotland, flannel được kết hợp với các họa tiết sọc caro và tartan - những biểu tượng văn hóa lâu đời của quốc gia này. Mặc dù caro và tartan không phải là hình ảnh xa lạ, nhưng khi được thể hiện qua chất vải flannel, chúng đã mang lại một diện mạo mới khi sự “cải biên” này chính là cách Scotland “thổi hồn” bản sắc vào một chất vải đến từ xứ Wales.
Tại Pháp, flannel, hay còn gọi là flanelle, thông qua sự tinh tế và nhạy cảm với thẩm mỹ, các nghệ nhân Pháp đưa flannel vượt qua khỏi khái niệm của một chất liệu thực dụng thường thấy của trang phục lao động, để trở thành một biểu tượng của sự thanh lịch và tinh xảo, phù hợp với sự phát triển của xã hội và văn hóa thời trang Pháp. Những bộ trang phục được chế tác từ flannel, với những đường cắt vừa vặn và form dáng hoàn hảo, không chỉ giúp loại vải này trở thành một phần không thể thiếu trong trang phục hàng ngày mà còn phản ánh cách người Pháp tinh tế mang đến sự giao thoa giữa tính thực dụng và vẻ đẹp nghệ thuật, góp phần đặt nền móng đưa khái niệm “flannel” đi vào từ điển thời trang thế giới.

“Bén rễ” trên đất Mỹ
Đứng trước ngọn sóng “flannel” đang âm ỉ, chắc chắn “ông lớn” Mỹ không thể nào nằm ngoài cuộc chơi, nhưng dấu ấn đầu tiên của flannel tại đây lại gắn liền với mục đích chiến đấu. Trong hai cuộc Thế chiến, quân đội Mỹ đã cung cấp flannel cho binh lính như một lớp vải giữ ấm và được sử dụng như một loại trang phục hàng ngày. Và chính Hamilton Carhartt, nhà sáng lập của thương hiệu Carhartt nổi tiếng, mới là người đã thực sự đưa áo sơ mi flannel vào cuộc sống lao động của người Mỹ.

Được thành lập vào năm 1889, Carhartt cho ra đời những mẫu áo sơ mi flannel đầu tiên dành riêng cho tầng lớp công nhân, với mục tiêu mang đến cho họ những trang phục không chỉ chất lượng mà còn đáp ứng nhu cầu làm việc trong suốt những ngày dài vất vả. Hơn thế nữa, các thiết kế dần đặt nền móng cho một tiêu chuẩn vàng trong ngành công nghiệp thời trang lao động, không chỉ thời điểm bây giờ mà còn ảnh hưởng đến mãi sau này.
Một câu chuyện khác là vào thời điểm những năm 1930, trong thời kỳ Đại Khủng Hoảng, khi ranh giới giữa các giai cấp xã hội bắt đầu bị xóa nhòa, thì những người đàn ông vốn mặc vest và cà vạt bắt đầu khoác lên mình những chiếc áo flannel của tầng lớp lao động phổ thông. Khái niệm “Giấc mơ Mỹ” bắt đầu hình thành vào những năm 1950, và flannel trở thành biểu tượng của sự tự lập và sức mạnh của người lao động. Không còn là điều đáng xấu hổ, việc trở thành một người lao động là nền tảng để xây dựng một tương lai vững chắc, thể hiện qua những chiếc áo flannel – biểu tượng của sự kiên cường, bền bỉ và nỗ lực không ngừng.
Ngoài ra, trong văn hóa đại chúng Mỹ, flannel không chỉ là một loại trang phục mà còn trở thành một phần trong những truyền thuyết dân gian. Đơn cử, hình ảnh Paul Bunyan - người khổng lồ trong thần thoại Mỹ - luôn gắn liền với chiếc áo flannel caro đỏ và cây rìu, góp phần củng cố hình ảnh chiếc áo này như một biểu tượng của sức mạnh nam tính và sự tự lập.

Đi cùng với xu hướng Grunge
Vào những năm 90, flannel không còn là một khái niệm xa lạ mà đã thực sự vươn lên trở thành một biểu tượng thời trang, nhờ vào sự bùng nổ của xu hướng Grunge – “hậu bối” của phong cách Punk Rock những năm 70. Chắc chắn phải nhắc đến tay chơi rock huyền thoại Kurt Cobain - thủ lĩnh của ban nhạc Nirvana, đã góp phần đưa flannel vào ánh sáng, trở thành một công thức thời trang mới của thế hệ trẻ lúc bấy giờ.
Nói một chút về văn hóa Grunge thì có thể hiểu đơn giản rằng sự lộn xộn, bụi bặm cũng có thể được định nghĩa là một phong cách. Và trong bức tranh đầy ngẫu hứng ấy, flannel tựa như một mảnh ghép hoàn hảo, nơi những chiếc áo flannel mộc mạc và phong trần đại diện cho tinh thần “bất cần nhưng sâu sắc” của một thế hệ dám sống thật với chính mình.
Grunge xuất phát là tên gọi của một thể loại rock xuất hiện vào cuối những năm 1980. Đi cùng dòng phát triển của văn hóa nhạc Rock, Grunge nhanh chóng trở thành một biểu tượng và sớm vươn mình thành một phong cách thời trang kinh điển, ở đó, Kurt Cobain chính là hiện thân của một “Grunge sống”.
Những chiếc áo flannel khoác hờ, jeans rách hay đôi giày cũ được Cobain khoác lên trên sân khấu trở thành một tượng đài của sự tự do: sống thật với bản thân. Những món đồ giản dị, như thể chúng vừa được tìm thấy trong một cửa hàng tiết kiệm, lại mang trong mình tiếng nói của một thế hệ. Một thế hệ chán chường với những sự hào nhoáng phù phiếm và mưu cầu tìm kiếm vẻ đẹp, hạnh phúc đích thực từ những thứ giản đơn.

Dù có lúc flannel tưởng chừng như sẽ chìm vào quên lãng khi thời kỳ hoàng kim của phong trào Grunge dần qua đi, nhưng sự chuyển mình không ngừng của thời trang đã mang lại cho nó một cơ hội mới. Khi phong cách thời trang cổ điển bùng nổ và hồi sinh mạnh mẽ, áo sơ mi flannel một lần nữa vươn lên, tìm lại vị thế trong bản đồ thời trang hiện đại.
Sự kết hợp hài hòa giữa yếu tố cổ điển và hiện đại luôn mang lại sức hút mạnh mẽ đối với những tín đồ thời trang, và flannel chính là một ví dụ điển hình. Chính sự pha trộn này đã giúp flannel trở thành món đồ “must-have” trong tủ đồ của những ai đang tìm kiếm sự phá cách trong trang phục.
Mặc dù có những thời điểm flannel bị coi là quê mùa, nhưng đến nay, chiếc áo này đã khẳng định được vị thế của mình, trở thành một “trường phái” riêng biệt cho những ai theo đuổi phong cách phong trần, bụi bặm. Flannel không còn chỉ là trang phục của một phong trào, mà là một phần của văn hóa thời trang đương đại, nơi mà sự mạnh mẽ, bền bỉ và nổ lực được tôn vinh.
Yorumlar