Cửa hàng trang sức mang linh hồn của người Mỹ bản địa, Goro’s đã làm những gì để cả thế giới phải ngạc nhiên về trang sức thủ công ở Nhật Bản? Hãy cùng The Highball khám phá về câu chuyện của huyền thoại kim hoàn thủ công, Goro Takahashi.
Một tòa nhà nhỏ trên phố Omote-Sando ở quận Harajuku. Mỗi ngày, những vị khách trung thành vẫn xếp hàng bên ngoài cửa hàng của Goro’s với hy vọng có cơ hội mua được trang sức và đồ da thủ công nổi tiếng của họ.
Goro’s được đặt theo tên của người sáng lập ra thương hiệu này - Goro Takahashi. Ông được coi là người tiên phong trong lĩnh vực làm trang sức của người Mỹ bản địa tại Nhật Bản.
Ngược dòng thời gian đến một trại hè năm 1955. Khi ấy, Goro chỉ mới 16 tuổi, ông tình cờ gặp một người lính Mỹ đang đóng quân tại Nhật Bản. Trong suốt mùa hè, chính người này đã dạy kỹ thuật làm đồ da và tặng cho ông một bộ dụng cụ chế tác da như một món quà khi họ chia tay. Đây cũng là điều đã khơi dậy cuộc hành trình của Goro và những sáng tạo vượt thời gian của ông.
Vào cuối những năm 60, Goro trực tiếp kinh doanh đồ da. Từ một xưởng nhỏ của mình ở Aoyama, ông làm ra nhiều mặt hàng da có chạm khắc tinh xảo, chủ yếu là túi xách, áo khoác và thắt lưng.
Với những cảm hứng được truyền từ người lính Mỹ và mong muốn trau dồi thêm kỹ năng làm đồ da, Goro mạo hiểm đến Flagstaff, Arizona. Tại đây ông gặp một thợ bạc tên Jed, người này ngay lập tức nhận ra tài năng và sự khéo léo của Goro. Để đổi lấy đồ da, Jed đã dạy ông chạm khắc bạc. Mối quan hệ của họ chỉ đơn giản bắt nguồn từ sự trao đổi và tôn trọng tay nghề lẫn nhau. Khoảng thời gian ấy, Goro dần say mê nghề kim hoàn, mê cả những văn hóa và lối sống của người bản địa xung quanh.
Như một mối nhân duyên, Goro trở nên đặc biệt thân thiết với bộ tộc Lakota, một bộ tộc người Mỹ bản địa. Ông dành nhiều thời gian gắn bó với bộ tộc này và là người đầu tiên không phải người trong bộ tộc tham gia nghi lễ “Vũ điệu Mặt trời”. Sau đó Goro được phong tặng danh hiệu Đại bàng vàng (Yellow Eagle) trong niềm vinh dự.
Goro trở lại Tokyo vào năm 1966 và vào năm 1972, ông thành lập cửa hàng của mình trên Phố Omote-Sando ở quận Harajuku, nơi ông nhanh chóng tạo dựng được tên tuổi cho mình trong lĩnh vực trang sức bạc.
Họa tiết đại bàng đối với thổ dân da đỏ rất quý giá, nó cũng ảnh hưởng phần nào đến Goro, ông cho rằng đây là một biểu tượng của nhân phẩm, sự vinh quang và cao quý. Với những đường gân phức tạp tỉ mỉ được chế tác, bộ lông thể hiện đầy sự mạnh mẽ và thiêng liêng. Do đó, lông vũ đại bàng thường được tặng như một lời chúc phúc.
Ngoài ra, Goro luôn đưa “Bánh xe y học” vào làm điểm nhấn trong các tác phẩm của mình. Bánh xe y học còn là biểu tượng thiêng liêng đại diện cho con người phương Đông và kiến thức về vạn vật trong vũ trụ. Cấu trúc của nó bao gồm các vòng tròn và hình chữ thập. Với các vòng tròn tượng trưng cho vòng quay của sự sống và cái chết, những hình chữ thập tượng trưng cho sự giao thoa giữa con người và mặt trời. Tâm của vòng tròn là biểu tượng đại bàng vàng, vì những ý nghĩa đặc biệt trên, hình ảnh đại bàng vàng luôn hiện hữu trong những tạo tác của ông.
Goro's nổi tiếng với thắt lưng, dây chuyền, vòng tay và túi xách. Các vật liệu được sử dụng để tạo tác bao gồm vàng, ngọc lam, da và hạt, thương hiệu này được biết đến nhiều nhất với sản phẩm bạc.
Trang sức của Goro’s không chỉ là phụ kiện, đó còn là biểu hiện của cái tôi mạnh mẽ, sự tự tin và truyền cảm hứng. Người mang trang sức này mang đầy sự phóng khoáng, tự do trong suy nghĩ và cả trong phong cách thời trang. Mỗi một tạo tác là một câu chuyện, một cá tính, thể hiện đẳng cấp và cái chất riêng biệt không lẫn vào đâu được.
Chỉ có duy nhất một cửa hàng Goro’s trên thế giới. Do đó, các tác phẩm của Goro mang tính sưu tầm rất cao vì độ hiếm của chúng. Người ta phải đến Tokyo và trực tiếp xếp hàng rất lâu để có thể mua được một trang sức. Quá trình trải nghiệm như vậy cũng đủ khiến mỗi tác phẩm trở nên vô giá!
Thời gian và kinh nghiệm được phản ánh qua giá trị của từng món đồ. Không thể phủ nhận, tính xác thực là chìa khóa tạo nên sự hấp dẫn của Goro's. Trước sự cao cấp của các đối thủ trong tầm giá như Chrome Hearts, The Great Frog, John Hardy và First Arrow's, Goro's không chỉ đứng ngang hàng mà còn nổi bật và chứng minh vị thế riêng.
Goro Takahashi khẳng định chỉ chế tác từng tác phẩm bằng tay của mình, đó là lý do tại sao phụ kiện bạc của Goro lại khó sở hữu đến vậy. Ngay cả khi bạn có cơ hội bước vào cửa hàng, nhân viên sẽ xem xét và quyết định có bán phụ kiện của họ cho bạn hay không. Nếu phong cách của bạn không phù hợp với tính cách của phụ kiện, họ sẽ không bán cho bạn bất cứ thứ gì.
Người ta thường truyền tai nhau rằng, để sở hữu một món trang sức từ Goro's, bạn cần phải có hộ chiếu Nhật Bản, thậm chí là hộ khẩu tại Tokyo. Nếu không có thì đơn giản hãy đứng nép vào một góc và ngắm nhìn chúng từ xa. Thế nhưng, điều này chỉ là những lời đồn thổi. Sự đặc biệt từ cửa hàng này vẫn là một thách thức bí ẩn mà hàng dài người luôn muốn chinh phục.
Takahashi tin rằng “Bạc có linh hồn riêng của nó”. Nói cách khác, bạn phải lắng nghe, giao tiếp và có mối liên kết với bạc thì bạn mới có đủ tư cách để sở hữu nó.
“Silver has its own spirit, we could find something on it that money
cannot buy. Everyone should wear something like this”
-Goro Takahashi
Goro Takahashi qua đời vào năm 2013. Sau hơn 40 năm tồn tại ở Harajuku, tên tuổi của Goro vẫn thu hút đại đa số người yêu mến và trân trọng nghệ thuật thủ công. Di sản của ông vẫn hiện hữu trong cửa hàng, trong các tác phẩm của thương hiệu và tiếp tục truyền cảm hứng cho mọi người.
“If they go on a journey wearing my pieces I’ve made,
I go on a journey with them. That’s what treasures me most of all”
-Goro Takahashi
Comments