Hokusai và Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa | The Highball Art
- Minh Hiếu
- Nov 26, 2023
- 6 min read
Updated: Nov 28, 2023
Katsushika Hokusai, danh họa vĩ đại của thế kỷ 19 ở Nhật Bản, là một trong những nghệ sĩ xuất sắc nhất trong lịch sử nghệ thuật thế giới. Trong suốt hơn 70 năm sự nghiệp nghệ thuật của mình, ông đã sáng tạo ra hàng loạt các tác phẩm độc đáo và ấn tượng, đặc biệt phải kể đến "Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa", tuyệt phẩm này được coi là biểu tượng của nghệ thuật ukiyo-e và là biểu hiện tinh tế của văn hóa Nhật Bản.
(ukiyo-e còn được gọi là tranh Phù thế, các hình ảnh được khắc trên một miếng gỗ phủ đầy mực, sau đó dùng giấy để ép và in hình thành các bức tranh, ukiyo-e cũng có thể là các bức hoạ vẽ tay.)
Trước khi chúng ta đào sâu vào bức tranh "Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa," hãy cùng tìm hiểu về cha đẻ của bức tranh này nhé!!!

Katsushika Hokusai
Katsushika Hokusai sinh ngày 30 tháng 10 năm 1760 tại Edo, Nhật Bản. Ông bắt đầu học vẽ từ khi còn nhỏ và đã sớm thể hiện tài năng nghệ thuật của mình. Năm 12 tuổi, Hokusai làm thư ký trong một thư viện, sau đó 2 năm ông trở thành người học việc cho một thợ khắc gỗ. Năm 18 tuổi, Hokusai được nhận vào xưởng vẽ của nghệ sĩ ukiyo-e Katsukawa Shunshō, đây cũng là một mốc đánh dấu con đường phát triển nghệ thuật lâu dài của ông.
Hokusai đã tạo ra một loạt các tác phẩm trong suốt sự nghiệp của mình, bao gồm cảnh quan, con người, động vật, và thậm chí cả những tác phẩm trong trí tưởng tượng. Ông còn được biết đến là một nhà sáng tác truyện tranh nổi tiếng, với bộ sưu tập 15 tập Hokusai Manga, một cuốn sách được nhồi nhét với gần 4.000 bản phác thảo được xuất bản vào năm 1814. Những bản phác thảo này được coi là tiền lệ cho manga hiện đại.

Mặc dù có một sự nghiệp thành công, đời tư của ông lại không mấy may mắn. Cả hai vợ và con của ông đều đã qua đời sớm. Ở tuổi 50, Hokusai bị sét đánh và bị đột quỵ, sau đó tự thân phải học lại cách vẽ và chờ đợi hồi phục.
Ở Nhật Bản, 60 tuổi trở lên là thời điểm để ăn mừng chứ không được coi là già đi, đó là thời điểm tái sinh. Thật sự, vào những năm 1820, Hokusai đã đạt đến đỉnh cao của sự nghiệp và được nhiều người mến mộ. Khi ấy, ông được biết đến trên khắp Nhật Bản sau khi hoàn thành tác phẩm để đời “36 Cảnh núi Phú Sĩ”, bao gồm cả "Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa".
Năm 1839, thảm họa xảy ra khi một đám cháy phá hủy phần lớn các tác phẩm nơi Hokusai đang làm việc. Vào thời điểm này, sự nghiệp của ông bắt đầu suy yếu, nhưng Hokusai không bao giờ ngừng vẽ tranh, ông vẫn tiếp tục đam mê của mình cho đến tuổi 88.
Hokusai qua đời vào ngày 10 tháng 5 năm 1849, và được chôn cất tại Seikyō-ji ở Tokyo. Người ta tin rằng trong suốt chặng đường của mình, ông đã tạo ra một di sản khổng lồ với hơn 30.000 tác phẩm.
Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa
Từ năm 1830-1832, Hokusai bắt tay vào dự án tham vọng nhất của đời mình, ông cho ra mắt bộ tranh "36 Cảnh núi Phú Sĩ" (Thirty-six Views of Mount Fuji). Tuyển tập này tái hiện ngọn núi dưới nhiều góc nhìn từ rừng, làng, hồ, cho đến sông và bãi biển. Với điểm nhìn từ vùng biển Kanagawa, bức tranh đã thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế. Hokusai trở thành nghệ sĩ ukiyo-e đầu tiên sử dụng phong cảnh làm trọng tâm.

Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa cũng là một trong số đó. Ông bắt đầu thực hiện tác phẩm này khoảng giữa năm 1829-1833. Khác với nhiều người thường lầm tưởng, đây không phải là bức tranh vẽ, mà là tranh ukiyo-e được in từ những bản khắc gỗ. Kể từ khi ra mắt, tác phẩm này ngay lập tức thu hút sự chú ý và nhanh chóng trở nên nổi tiếng. Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều người cho rằng đã có khoảng 5.000 đến 8.000 bản sao của nó được in và bán ra toàn thế giới.

Nhìn thoáng qua, bức tranh "Sóng lừng" có vẻ đơn giản và dễ hiểu, bởi phần chủ đạo của bức tranh là cơn sóng khổng lồ. Tuy nhiên, để hiểu hết ý nghĩa của bức tranh, chúng ta cần nhìn sâu hơn vào những chi tiết nhỏ.

Ít người biết rằng, đây là một tác phẩm có sự giao thoa giữa nghệ thuật Nhật Bản và Châu Âu. Tác phẩm có kích thước 25,7 x 37,8cm. Việc áp dụng đường chân trời thấp vào bức tranh là một đặc điểm tiêu biểu của hội hoạ Hà Lan, nó giúp việc mô tả ngọn sóng thêm phần sống động và chân thật hơn, do đó nó chiếm đến 2/3 bức tranh.
Phía xa, núi Phú Sĩ sừng sững giữa biển cả, như một biểu tượng của sự bất biến. Con sóng lừng cuộn trào, hung dữ như muốn nhấn chìm mọi thứ, nhưng ngọn núi vẫn đứng vững, bất chấp mọi thử thách. Sự đối lập giữa hai hình ảnh này tạo nên một hiệu ứng nghệ thuật độc đáo, thể hiện bản lĩnh và sức mạnh của con người trước thiên nhiên.
Trong làn sóng, ba thuyền vận chuyển hàng hóa đến các chợ ở Edo thoắt ẩn thoắt hiện. Trên đó, ngư dân nằm co người lại, chặt chẽ nắm lấy thuyền, hướng ánh nhìn về phía trái của bức tranh để đối mặt với những đợt sóng dữ dội. Không hiện rõ dấu hiệu lo sợ trên khuôn mặt hay trong cả cử chỉ, họ tiếp cận cơn sóng một cách bình tĩnh, như thể đã quen thuộc với nguy hiểm, hoặc có thể họ phải chấp nhận sự không lường trước của biển cả. Hokusai đã chọn một khoảnh khắc đầy ấn tượng để kích thích sự tò mò của người xem. Nhiều người cho rằng, hình ảnh những chiếc thuyền nhỏ bé hiên ngang đối đầu với cơn sóng dữ là biểu tượng của tinh thần bất khuất và ý chí kiên cường của ngư dân Nhật Bản.
Quan sát kỹ, ta có thể thấy hình ảnh đầu ngọn sóng được mô phỏng như những móng vuốt dữ tợn. Bên cạnh đó, khoảng cách của ngọn sóng với núi Phú Sĩ cũng tạo nên cảm giác sợ hãi. Mặt biển ban đầu êm đềm như bức tranh thủy mặc, sau đó bất ngờ bị một con thủy quái khổng lồ xé toạc. Cơn sóng dữ cao hàng chục mét như muốn nuốt chửng mọi thứ rồi biến mất nhanh chóng, tạo thành một cơn ác mộng kinh hoàng.
Tông màu chủ đạo trong bức tranh là màu xanh Prussian, còn được biết đến là màu xanh phổ, ban đầu là một loại màu đắt đỏ có nguồn gốc từ phương Tây. Sự sản xuất đại trà của màu xanh này tại Trung Quốc đã khiến nó trở nên phổ biến và có giá thành rẻ hơn. Trong tranh ukiyo-e của Hokusai, màu xanh phổ được sử dụng rất rộng rãi. Các bản in đầu tiên của bức tranh chủ yếu sử dụng màu xanh Prussian cùng một chút màu chàm. Màu xanh này còn phổ biến ở Nhật Bản với tên gọi là "aizuri-e", nghĩa là các bức tranh được in hoàn toàn hoặc chủ yếu bằng màu xanh lam. Khác biệt so với màu xanh truyền thống trước đó, sắc xanh Prussian sáng rực rỡ hơn, có phổ màu rộng hơn và đặc biệt là không bị phai.
Sóng lừng ngoài khơi còn thể hiện thời gian qua phần bóng tối của núi Phú Sĩ và ánh sáng của lớp tuyết. Khi nhìn vào tranh, người ta cảm giác đó là một buổi sáng vì có ánh mặt trời trên đỉnh núi. Các chuyên gia cho rằng, đây là góc nhìn ngoài khơi Kanagawa, ở phía nam của Edo hoặc Tokyo.
Sự thật thì hình ảnh ngọn sóng đã xuất hiện trong nhiều tác phẩm trước đó của Hokusai, cho đến sau này Sóng lừng ngoài khơi Kanagawa mới được xem là phiên bản hoàn thiện nhất.

Qua các năm, hình ảnh ngọn sóng trong tranh Hokusai đã trải qua quá trình phát triển từ thô nặng, dữ dội đến mềm mại, uyển chuyển và cuối cùng là sự cân bằng. Dường như trong thời gian ấy, ông cũng chiêm nghiệm được một số thứ trong cuộc sống.
Sự bất ổn của đất nước Nhật Bản các thời kỳ trước được Hokusai diễn đạt sâu sắc qua Sóng lừng ngoài khơi. Cuộc chiến của ngư dân và hình ảnh núi Phú Sĩ đại diện cho sự đối lập trong xã hội. Biển cả trong tranh không chỉ thể hiện sự khắc nghiệt vượt thời gian mà còn là biểu tượng của sự biến đổi không ngừng. Những bức tranh của Hokusai đã truyền cảm hứng cho đa dạng các thế hệ họa sĩ và có nhiều ảnh hưởng sâu rộng, đặc biệt là tác phẩm "The Starry Night" của Vincent van Gogh.
Có thể nói, "Sóng lừng ngoài khơi" là một tác phẩm vượt thời gian, mang ý nghĩa sâu sắc về triết lý và nghệ thuật. Tác phẩm này không chỉ là một kiệt tác của nghệ thuật Nhật Bản, mà còn là một tác phẩm có tầm ảnh hưởng toàn cầu.

Comments