top of page

Keith Haring – những thông điệp ý nghĩa qua nét vẽ trẻ con | The Highball Story



Keith Haring, một nghệ sĩ đã góp một phần không nhỏ vào văn hoá đại chúng và nghệ thuật hiện đại thế kỷ 20. Ông được được biết đến với những hình vẽ đơn giản và đầy màu sắc như của một đứa trẻ miêu tả đủ các loại trạng thái và hình ảnh vui nhộn. Những nét vẽ của Haring tuy đơn giản nhưng lại mang đầy sự thu hút và mê hoặc cùng với tính thời sự cực kỳ cao.


Cũng vì vậy mà cho đến tận ngày nay, các hình vẽ của ông vẫn được sử dụng và biết đến rộng rãi trong ngành thời trang với các mẫu quần áo sử dụng hoặc được truyền cảm hứng từ những hoạ tiết của người nghệ sĩ tài hoa này. 

Nhưng không phải ai cũng biết được nguồn gốc của phong cách này hay từ đâu và vì sao những tác phẩm của người đàn ông này lại trở thành một phần của văn hoá đại chúng như ngày nay? Vậy, các độc giả hãy cùng The Highball tìm hiểu về người đàn ông này cũng như là câu chuyện đằng sau những nét vẽ thú vị này và lý do mà chúng lại tạo ra một dấu ấn vô cùng khó phai đối với xã hội nói chung và giới thời trang nói riêng.




Keith Haring – từ cậu bé đam mê nghệ thuật…


Keith Haring sinh ngày 4 tháng 5 năm 1958. Ông lớn lên trong thời kỳ chiến tranh lạnh, khi mà các phe đối lập đang cạnh tranh về mọi mặt để thu hút sự chú ý của người dân. Trong số đó, các chương trình quảng cáo và các thể loại tuyên truyền là một trong những loại hình được để ý phát triển nhiều nhất vì khả năng lan truyền mạnh mẽ của nó. 


Những đoạn quảng cáo trong thời kỳ này ngày càng sáng tạo, mang theo nhiều tính nghệ thuật, thời sự và đời sống nhằm thu hút sự chú ý của đại chúng. Chính từ những loại hình truyền thông này, cộng thêm sự ủng hộ của bố ông, một hoạ sĩ vẽ tranh biếm hoạ, niềm đam mê nghệ thuật đã nhen nhóm trong Haring và ảnh hưởng rất lớn đến phong cách của ông sau này.


Năm 1976, Keith Haring theo học đại học Mỹ thuật thương mại ở trường Mỹ Thuật công nghiệp Ivy tại Pittsburgh. Tuy nhiên, chỉ sau 2 năm theo học, Haring nhận thấy bản thân không mấy hứng thú với mỹ thuật thương mại và chuyển hướng đến New York để học về Mỹ thuật tại trường School of Visual Arts. Và chính sự chuyển dịch này chính là khởi đầu và ảnh hưởng đến phong cách của nghệ thuật của ông trở về sau. 




… đến sự hình thành của những nét vẽ trẻ con.


Vào cuối thập niên 70, các bức graffiti tràn lan khắp các bức tường New York bị phần lớn người dân ở New York xem là một loại hình phá hoại và người vẽ nên những bức tranh này được xem là một loại tội phạm. 


Mặc dù vậy, Keith Haring vẫn bị cuốn hút bởi phong cách vẽ này, Với những đường nét mạnh mẽ, dứt khoát và phóng khoáng, những người trẻ ở thành phố này dùng các bức graffiti như một cách để đưa tiếng nói của mình đi khắp nơi. 


Cũng vào thời gian này, Haring thường xuyên lui tới một câu lạc bộ nhảy tên Club 57 và có cơ hội kết bạn với rất nhiều những nghệ sĩ cũng đã góp phần rất lớn vào nghệ thuật văn hoá đại chúng như Kenny Scharf, hay Jean-Michel Basquiat.





Được New York truyền cảm hứng qua những câu chuyện và những hình ảnh nghệ thuật như vậy cộng thêm những gì đã học khi còn ở quê nhà, phong cách nghệ thuật của Keith Haring cũng dần được hình thành. 


Với những nét vẽ đơn giản và sống động như hoạt hoạ kết hợp cùng phong cách Graffiti, Haring đã bước đầu tạo ra biểu tượng của riêng mình dựa trên hình ảnh những con người đang nhảy múa kết hợp với một số biểu tượng nổi bật của nước Mỹ thời điểm đó, ông dần tìm kiếm nơi để vẽ những bức graffiti của riêng mình. Và địa điểm “triển lãm” tranh đầu tiên ông chọn là những ga tàu điện ngầm, nơi tấp nập người bình thường qua lại hằng ngày. 



Haring chọn những khoảng tường trống chờ dán tấm áp phích quảng cáo để làm “khung tranh”, ông thường vẽ bằng phấn trong thời gian ngắn để tránh bị bắt. Cứ như vậy, trong suốt 5 năm (1980-1985) hơn 5000 bức hình khác nhau bằng phấn thay phiên nhau xuất hiện rồi bị xoá đi trên hết mảng tường này đến mảng tường khác ở khắp các ga tàu điện ngầm của New York.


Keith Haring bị bắt - Vào cuối thập niên 70, các bức graffiti tràn lan khắp các bức tường New York bị phần lớn người dân ở New York xem là một loại hình phá hoại và người vẽ nên những bức tranh này được xem là một loại tội phạm. 




Khác với phần lớn những bức Graffiti cùng thời, những bức vẽ của Haring ít dùng chữ, thay vào đó ông dùng những biểu tượng và hình vẽ đơn giản, dứt khoát và lặp đi lặp lại để khắc hoạ nên nội dung của bức tranh, những hình vẽ này về sau hay được mọi người gọi là “chữ tượng hình của Haring”(Haring’s hieroglyphics). Những chủ đề Haring thường miêu tả xuyên suốt các bức vẽ trong giai đoạn này chủ yếu xoay quanh về những thứ rất “Mỹ” như công nghệ tiên tiến, người ngoài hành tinh, tôn giáo, những cuộc biểu tình và những câu chuyện xoay quanh chính trị thời đó. 

 


Một số biểu tượng và hình vẽ nổi bật xuất hiện xuyên suốt các bức tranh của Keith Haring:

The dog

Three-eyed smiley face

các loại công nghệ như TV, radio hay UFOs

Hình người nhảy múa xuất hiện xuyên suốt trong phần lớn tranh vẽ

Radiant baby được xem như là biểu tượng của Keith Haring



Những bức tranh nơi công cộng của ông ngày càng được nhiều người biết đến và ủng hộ, có những người đến tàu điện ngầm chỉ để ngắm hay chụp hình với tranh của ông. Đây cũng là khởi đầu để những bức vẽ của ông trở thành một phần không thể thiếu của văn hoá đại chúng như bây giờ.



Ảnh hưởng tới nghệ thuật


Năm 1982, khi đã được nhiều người biết đến, Keith Haring bắt đầu vẽ những bức bích họa ngoài trời trên những mảng tường lớn ở nhiều thành phố khác nhau như Rio de Janeiro, Berlin, Melbourne, Chicago, Atlanta và rất nhiều nơi khác nữa. Những tấm bích hoạ này thường có sự giúp sức của những đứa trẻ yêu thích nét vẽ của Haring.


Những tác phẩm tràn đầy năng lượng của Haring luôn truyền tải sự vui nhộn, hào hứng, ngoài ra chúng còn dễ hiểu với phong cách vẽ tượng hình đặc trưng. Những điều này đã lôi kéo sự chú ý từ giới nghệ thuật chính thống và họ cũng dần để ý đến và liên lạc với ông để dùng những hoạ tiết này lên các sản phẩm sáng tạo của họ.



Vào năm 1986, khi tác phẩm của bản thân đã có một vị trí nhất định trong giới nghệ thuật, Keith Haring quay lại New York và mở một cửa hàng tên là Pop Shop. Ở đây, ông bán những bức tranh của bản thân và các loại sản phẩm liên quan đến các hình vẽ của mình như quần áo in hay ghim cài. Đặc biệt ở khoảng thời gian này ông có một series tranh lấy chính tên của cửa hàng là “Pop Shop” vô cùng nổi tiếng và vẫn còn được săn đón bởi giới mộ điệu đến tận bây giờ.



Với mục tiêu đưa nghệ thuật đường phố lên một tầm cao mới, ngang hàng với những kiểu nghệ thuật hàn lâm khác, Keith Haring luôn hướng tới việc xoá nhoà ranh giới giữa “high art” (loại mỹ thuật cao cấp, mang nhiều tầng ý nghĩa phức tạp) và “low art” (loại mỹ thuật dễ tiếp cận và dễ hiểu đối với đa số mọi người) nên hầu như đối với tất cả những việc ông làm trong nghệ thuật đều hướng đến mục đích này.


Từ ý tưởng biến ga tàu điện ngầm và các bức tường thành phong triển lãm, hay bán những tác phẩm của mình một cách rộng rãi. Hay thậm chí, đối với Haring, Pop Shop cũng là một tác phẩm quy mô lớn của ông để mọi người đều có thể tiếp cận được. 



Vào thời điểm mà cái tên Keith Haring đang được biết đến rộng rãi thì những món đồ như áo thun hay ghim cài ở Pop Shop cũng vẫn chỉ có giá trên dưới 50 cents (xấp xỉ 11,000 VNĐ hiện nay) vẫn với chỉ một mục đích – cho tất cả mọi người đều được tiếp cận với nghệ thuật.



  1. Ảnh hưởng tới xã hội


Ngoài vai trò là một nghệ sĩ hay một nhà sáng tạo ra Keith Haring còn là một nhà hoạt động xã hội, ông tuyên truyền và vận động thông qua những bài phát biểu và những bức tranh của mình. Những chủ đề mà ông hay hướng đến là bảo vệ bản thân khỏi AIDS, tránh xa các loại chất cấm, về cộng động đồng tính và một số vấn đề xã hội khác nổi trội vào thời điểm đó.



Ngoài ra những tác phẩm và triết lý của ông cũng truyền cảm hứng và tạo ra cơ hội cho vô số những người tài sau này. 


Chính những ảnh hưởng của Haring đã khiến cho nhiều người nhìn nhận lại hoạt hoạ một cách nghiêm túc và xem chúng như một loại nghệ thuật chính thống. Theo thị hiếu đó, các tòa soạn đổ xô nhau lùng sục khắp nơi để kiếm về những mẫu truyện tranh và những bộ phim hoạt hình đặc sắc cho riêng mình. Điều này đã góp phần mở ra cơ hội cho rất nhiều hoạ sĩ truyện tranh và hoạt hình chưa có nhiều danh tiếng được thể hiện tài năng của mình. 


Một ví dụ điển hình là Matt Groening, “cha đẻ” của “The Simpson”, một trong những show truyền hình nổi tiếng nhất mọi thời đại. Năm 1985, James L. Brooks, một đạo diễn phim, trong quá trình tìm hoạ sĩ cho bộ phim hoạt hình của riêng mình, ông đã để ý đến những trang truyện tranh “Life in hell” của Groening được đăng trên các đầu tạp chí và ngỏ ý muốn hợp tác với ông để đem những nhân vật này lên màn ảnh. Sau một thời gian bàn luận và sửa đổi họ đã tạo ra “The Simpsons” vô cùng nổi tiếng mà chúng ta biết đến ngày nay. 



Ảnh hưởng đến thời trang


Vì có tầm ảnh hưởng rất lớn như vậy cộng với phong cách vui nhộn và phá cách, nên nhiều nhãn hàng nổi tiếng thi nhau tìm đến Haring để có cơ hội được đặt những “chữ tượng hình của Haring” lên trên các sản phẩm của mình. 


Phần lớn những thương hiệu này cũng mang theo tinh thần và triết lý nghệ thuật giống của Keith Haring, đó là sự tự do và phóng khoáng, sự giao thoa giữa đơn giản và phức tạp, hay giữa “high art” và “low art” để bất cứ ai cũng có thể mặc lên mình những “tác phẩm nghệ thuật” này. Chính vì vậy, xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại, ta có thể bắt gặp “chữ tượng hình của Haring” trên vô vàn các sản phẩm của nhiều thương hiệu khác nhau, và một số thương hiệu tiêu biểu có thể nhắc đến như Converse, Uniqlo, Dr. Martens, Pandora...



Những hình vẽ của Keith Haring được in lên quần áo như để ghi dấu lại một cột mốc đặc biệt trong lịch sử nước Mỹ nói chung. Ngoài ra chúng còn là một nhân tố vô cùng quan trọng trong văn hoá đại chúng và những loại hình nghệ thuật đường phố sau này. 


Những hình vẽ sống động này đóng vai trò như một lời “tuyên ngôn” của Keith Haring nói thay cho những người yêu thích nghệ thuật, đề cao tinh thần tự do và dám nghĩ dám làm của các nghệ sĩ. Các hoạ tiết nhỏ nhưng chứa đựng một câu chuyện lớn đằng sau này sẽ là một thứ vô cùng đặc biệt và đáng sưu tầm đối với những ai yêu thích tìm hiểu về những giá trị cổ điển trong cả mỹ thuật và thời trang. 


Không những mang một câu chuyện sâu xa và ý nghĩa, xét về mặt thẩm mỹ, những “chữ tượng hình của Haring” còn có thể được xem như một điểm “chấm phá” trong “outfit” của chúng ta. Khi phần lớn các món đồ thời trang cổ điển đều hướng đến sự đơn giản cả về màu sắc và chi tiết, thì kể cả nếu các bạn không quá đến tâm về lịch sử của những hoạ tiết này thì cảm giác vui vẻ, và hào hứng mà chúng mang lại vẫn là một lựa chọn tuyệt vời để làm điểm nhấn cho cái nhìn tổng thể của bạn. Và như vậy, đúng như tinh thần của Keith Haring - bất kể bạn là ai, bạn đều có cơ hội được sở hữu và cảm nhận “nghệ thuật”!


Comments


  • Facebook
  • Threads
  • Instagram

The Highball

(+84) 93 872 0737

thehighball.vn@gmail.com

© 2023 by The Highball

Contact

Thanks for submitting!

bottom of page