Chiếc quần jeans xanh mã 501 của Levi's, được "khai sinh" cách đây hơn 150 năm, theo dòng chảy thời gian đã trở thành món đồ thời trang được biết đến nhiều nhất trên thế giới.
Thế nhưng, sức ảnh hưởng của chiếc quần 501 không chỉ dừng lại ở bên trong tủ quần áo, mà hơn thế nữa, nó còn là biểu tượng cho một nền văn hoá, một hệ tư tưởng, thứ được gọi là "Americana" hoặc "giấc mơ Mỹ". Nhân ngày 501 Day (20/05) - "sinh nhật" của chiếc quần này - hãy cùng The Highball điểm lại một số cột mốc quan trọng trong lịch sử của Levi's 501 và lý do vì sao chiếc quần này lại có được chỗ đứng trong lịch sử thời trang của nhân loại như ngày hôm nay nhé!!!
Năm 1853
Levi Strauss - một thương gia người Mỹ gốc Đức đặt chân đến San Francisco và sáng lập Levi Strauss & Co. một công ty chuyên cung cấp vải vóc, vật liệu may mặc, nhu yếu phẩm và trang phục (áo quần, khăn tay…) cho các cửa hàng bán lẻ khắp miền Tây nước Mỹ.
Năm 1872
Jacob Davis, một thợ may từ thành phố Reno thuộc bang Nevada, là khách hàng của Levi viết thư tay cho Levi để mô tả phát minh của ông.
Đó là chiếc đinh tán (rivet) được đóng ở góc túi của những chiếc quần, nhằm củng cố sức bền của đường may. Jacob sau đó đưa ra đề nghị hợp tác giữa ông và vị chủ doanh nghiệp Levi Strauss & Co. để đăng ký bằng sáng chế cho phát minh trên. Levi khi nhận được lời mời đã tỏ ra hứng thú và gật đầu đồng ý.
Trong khi doanh nghiệp của Levi đang phát triển ở San Francisco, thì Jacob Davis lại đang xây dựng tên tuổi của mình tại Reno, Nevada. Dù vậy, ông chỉ xem công việc may vá cơ bản là “cần câu cơm” hàng ngày. Sâu thẳm trong tim, tìm tòi và sáng chế mới là động cơ để Jacob cố gắng mỗi ngày.
Thu đông năm 1870, sau khi lắng nghe những phản hồi của khách hàng về độ bền của những chiếc quần do mình may, ông bắt đầu ứng dụng đinh tán đồng vào thiết kế quần lao động, khiến các chi tiết chịu độ căng trên quần được giữ vững tốt hơn.
Nhận thức rằng để có thể đi xa hơn, cụ thể là đăng ký bằng sáng chế và sản xuất hàng loạt, Jacob Davis cần một cộng sự. Ông sau đó đã trao trọn niềm tin cho nhà buôn có tiếng nhất thời bấy giờ ở đất San Francisco – Levi Strauss.
Năm 1873
Ngày 20 tháng 5 năm 1873 là cột mốc ghi nhận sự thành công của Levi Strauss và Jacob Davis trong việc đăng ký bằng sáng chế cho phát minh đinh tán trên quần, được cấp bởi Văn phòng Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ.
Bằng sáng chế mang số hiệu 139,121 đó cũng chính là sự khai sinh của “quần jeans”.
Những chiếc quần đầu tiên được gọi là “quần mặc ngoài” - waist overalls - với một túi sau có đường may trang trí, một túi đồng hồ phía trước, đai thắt lưng, nút để cài quai đeo, và một đinh tán ở đáy. Thời bấy giờ khi thắt lưng da còn chưa được phát minh thì đai thắt lưng trên quần & các nút để cài dây đeo được xem là những chi tiết không thể thiếu của một chiếc quần.
Năm 1866
Năm 1886 chứng kiến sự xuất hiện của “The Leather Patch” – miếng da in hình ảnh hai chú ngựa kéo căng một chiếc quần jeans được may trên lưng quần.
Đây chính là nhận diện thương hiệu của Levi Strauss & Co trên các chiếc quần do họ sản xuất. Không chỉ để khắc họa sự bền bỉ của quần, miếng da này còn giúp thương hiệu khẳng định vị thế của mình là những người khai sinh ra chiếc quần có đinh tán.
Năm 1890
Bằng sáng chế độc quyền được đăng ký vào năm 1873 hết hiệu lực và chi tiết đinh tán bắt đầu được các thương hiệu quần áo lao động khác sử dụng rộng rãi, vì vậy Levi Strauss & Co. không còn giữ được thế độc tôn trên thị trường về chi tiết này.
Công ty lúc bấy giờ phải tìm cách để giúp người mua hàng nhớ đến sản phẩm của mình dễ dàng hơn. Một trong những cách được lựa chọn là đặt tên cho sản phẩm, bằng những con số dễ nhớ. Số 501 lúc này được chọn để đặt tên cho sản phẩm quần có đinh tán đồng đặc trưng của Levi Strauss & Co.
Tuy nhiên, lí do đằng sau việc chọn con số 501 vẫn chưa có lời giải đáp. Vì sau trận động đất và hỏa hoạn năm lớn của thành phố San Francisco vào năm 1906, nhà máy Levi Strauss & Co. cùng nhiều tư liệu lịch sử đã bị thiêu rụi.
Những chi tiết đặc trưng của một chiếc quần Levi's 501.
Năm 1906
Trụ sở của Levi Strauss & Co. ở San Francisco đã hứng chịu tổn thất nặng nề do trận động đất kéo theo hoả hoạn lớn chưa từng có trong lịch sử thành phố.
Đây cũng là năm lịch sử khi tại số nhà 250 trên con phố Valencia, nhà máy mới của thương hiệu được khởi công xây dựng.
* Nhà máy Valencia được giới sưu tầm denim ngày nay cho rằng là nơi đã sản xuất ra những phiên bản quần Levi’s đẹp và chất lượng bật nhất, chúng thường có giá trị sưu tầm rất cao với đặc điểm nhận dạng là mã nút (được in ở mặt sau của nút) số 555.
Năm 1936
“Red Tab” được ra đời – miếng vải màu đỏ với dòng chữ “LEVI’S” màu trắng xuất hiện trên mép túi sau của quần.
Chi tiết này được sinh ra với sứ mệnh là tách biệt nhãn hiệu quần của Levi’s với phần còn lại của thị trường, vì lúc bấy giờ đã xuất hiện một số mẫu quần của các thương hiệu khác “đạo nhái” chi tiết thêu hình cánh chim trên túi quần của Levi’s để đánh lừa người tiêu dùng.
Theo lời Levi Strauss & Co., đường may hình cánh chim do không kịp thời được đăng ký nhãn hiệu độc quyền nên đã bị sao chép trắng trợn bởi đối thủ cùng ngành.
Năm 1937
Trong năm này, Levi Strauss & Co. đã nhận về nhiều phàn nàn rằng chi tiết đinh tán thường xuyên làm xước hoặc thậm chí rách bề mặt đồ nội thất và yên da mà người mặc tiếp xúc.
Lắng nghe và tiếp thu, thương hiệu đã cải tiến cách may các túi sau của dòng quần yếm thắt lưng sao cho chúng bao trùm được đinh tán. Khái niệm “hidden rivet” – đinh tán ẩn từ đây mà ra đời.
Chi tiết cũng được xem là một “game changer” - thay đổi cuộc chơi, giúp Levi’s vẫn là thương hiệu dẫn đầu trong ngành sản xuất đồ lao động.
Năm 1960
Có thể xem năm 1960 là bước ngoặt lớn đối với Levi’s khi họ quyết định sử dụng cụm từ “quần jeans” thay vì “quần mặc ngoài” (waist overall) như trước đây, trong quảng cáo sản phẩm lẫn bao bì đóng gói.
Không ai biết chính xác mọi thứ đã xảy ra như thế nào và lý do vì sao, nhưng vào thập niên 1950, thanh thiếu niên Mỹ đã bắt đầu dùng từ “jeans” để chỉ các sản phẩm quần làm từ vải denim. Có thể tạm lý giải từ “jeans” dễ phát âm & nghe có vẻ “ngầu” hơn là “overalls” chăng?
Bước đi đổi tên gọi chính thức của sản phẩm này đã giúp chiếc quần 501 của Levi’s trở nên gần gũi với người dùng hơn, xứng đáng được xem là một sản phẩm “quốc dân” của Mỹ.
Năm 1964
Trong năm 1964, chiếc quần jeans của Levi’s được công nhận là một vật phẩm có những đóng góp quan trọng trong lịch sử và văn hóa xứ cờ hoa.
Một tiêu bản của chiếc quần jeans đã được lưu lại trong bộ sưu tập vĩnh cửu của Viện bảo tàng Smithsonian tại thủ đô Washington.
Năm 1971
Năm 1971 là một dấu mốc đặc biệt khi Levi Strauss & Co. thay đổi thiết kế thương hiệu, trong đó từ LEVI’S trên chi tiết nhãn đỏ được thay đổi thành Levi's - chữ “E” đã không còn được viết hoa.
Kể từ đây mà giới yêu đồ vintage nổi lên hai khái niệm: “Big E” – E lớn và “little e” – e nhỏ. Lấy đây làm tiêu chí để giám định niên đại mà chiếc quần được sản xuất (trước hoặc sau năm 1971) từ đó định giá những tiêu bản quần Levi’s vintage.
Kể từ những năm cuối thập niên 1960 và đầu thập niên 1970, những chiếc quần Levi’s đã theo chân văn hoá Mỹ, âm nhạc Rock n’ Roll, những bộ phim Hollywood… bước ra thế giới, từ đó được đón nhận như một biểu tượng thời trang của thứ gọi là “giấc mơ Mỹ”.
Một phát hành Levi's 501 đặc biệt dành riêng cho thị trường Nhật Bản với phần tem đỏ & toàn bộ nội dung trên tem, nhãn, đều được ghi bằng tiếng Nhật.
Hơn cả một món đồ thời trang, Levi’s 501 còn là một hệ tư tưởng.
“Kinh điển” chính là tính từ miêu tả chính xác về chiếc quần Levi’s 501- một bản thiết kế vĩ đại mang tính vượt thời gian và là sự lựa chọn phổ biến trong nhiều thập kỷ. Sự chú ý được dành cho chiếc quần huyền thoại này có thể bắt đầu từ giai đoạn những năm giữa thế kỉ XX.
Vào những năm 1960, quần jeans Levi's 501 đã trải qua một sự biến đổi ngoạn mục, từ một món đồ làm việc chuyên dụng cho công nhân đã chuyển mình trở thành một trong những biểu tượng thời trang quan trọng nhất của giới trẻ tại thời điểm đó.
Trong kỷ nguyên này, giới trẻ đã lựa chọn hình ảnh quần jeans Levi’s như một lá cờ đấu tranh cho sự nổi loạn chống lại các chuẩn mực cũ kỹ và bảo thủ. Với đặc tính bền bỉ và phong cách đơn giản, dễ phối đồ, đã được các bạn trẻ biến tấu theo nhiều cách từ "cắt xén", "rách", và "tái chế", phản ánh cá tính riêng và quan điểm sống của họ được thể hiện qua từng chi tiết trên trang phục.
Không còn đơn thuần là sự lựa chọn hàng ngày về trang phục, chiếc quần đã trở thành một phần không thể thiếu của việc phản văn hóa, đặc biệt là trong phong trào Hippie, nơi tượng trưng cho sự tự do, bình đẳng và phản chiến tranh. Thanh thiếu niên trên khắp xứ sở Hoa Kỳ đã mặc chiếc quần đến các sự kiện lớn trong lịch sử nước Mỹ, như lễ hội âm nhạc Woodstock 1969 và các cuộc biểu tình chống chiến tranh ở Việt Nam cùng thời.
Trở thành một phần của làn sóng văn hóa nghệ thuật Mỹ.
Nối tiếp sự đón nhận của giới trẻ trong phong trào Hippie, trong thập niên 80 và 90 đã chứng kiến “hiện tượng” mang tên Levi’s 501 lan rộng ra toàn cầu. Mức độ bao phủ của chiếc quần này được xuất hiện ở khắp mọi nơi, đa lĩnh vực nghệ thuật.
Trên sân khấu và trong MV âm nhạc, quần jeans là sự lựa chọn phổ biến của nhiều nghệ sĩ hàng đầu như Axl Rose của Guns N' Roses, và Kurt Cobain của Nirvana,…Việc lựa chọn mặc quần jeans này đại diện cho sự tự do và nổi loạn trong âm nhạc Rock n’ Roll. Bên cạnh đó, Levi's 501 cũng đã ảnh hưởng lớn đến phong cách hip-hop của Mỹ. Những nghệ sĩ hip-hop hàng đầu như Run-D.M.C., Tupac Shakur và Snoop Dogg,… thường chọn quần jeans là một phần phong cách đường phố của họ.
Trong lĩnh vực phim ảnh, Levi's 501 thường xuất hiện trên màn ảnh như một phần của phong cách của các diễn viên để thể hiện được tinh thần của nhân vật trong câu chuyện.
Có thể kể đến các bộ phim nổi tiếng như "The Breakfast Club" (1985) - biểu tượng của sự trưởng thành và sự tự do của tuổi trẻ hoặc "Footloose" (1984) - có nội dung phản chiến và thể hiện tinh thần nổi loạn, phản đối các quy tắc bảo thủ trong xã hội.
Levi’s 501 ở thế kỉ XXI.
Tính đến thời điểm hiện tại, chiếc quần Levi's 501 vẫn luôn giữ vững vị thế của mình như một biểu tượng thời trang mang tính thời đại và không thể thay thế. Dù đã trải qua nhiều thay đổi trong dòng chảy thời trang hiện đại, nhưng sức hút và giá trị của chiếc quần jeans này vẫn không mờ nhạt, mà ngược lại, nó còn tăng lên với thời gian.
Chiếc quần Levi's 501 không chỉ là một sản phẩm thời trang đơn thuần, mà còn là một phần của lịch sử nước Mỹ và tinh thần của “những người tiên phong” đã tồn tại và phát triển qua nhiều thế hệ.
Đó là lý do tại sao, dù thời trang thay đổi, Levi's 501 vẫn luôn là sự lựa chọn đáng tin cậy và không thể thay thế trong tủ quần áo của mọi người. Một món đồ thời trang có thể lỗi thời, nhưng "một hệ tư tưởng" thì không, ngược lại, nó còn phát triển cùng thời gian và góp phần kiến tạo lịch sử.
Comments