Bóng đá ngày nay không chỉ đơn thuần là một môn thể thao mà đã trở thành một phần của văn hóa thời trang. Trong những năm gần đây, phong cách Blokecore đã nổi lên mạnh mẽ, hình ảnh những chiếc áo đấu vintage cùng với tên tuổi các cầu thủ từ những thập niên trước đây được tái hiện lại trong một góc nhìn mới - sành điệu và sáng tạo hơn.
Trước thềm trận đấu cuối cùng của ngày hội bóng đá Euro 2024, The Highball có cơ hội trò chuyện cùng với Tấn Tài – một trong những người đang theo đuổi phong cách Blokecore và sở hữu bộ sưu tập áo đấu vintage đồ sộ.
Hãy cùng tạp chí tìm hiểu xem hành trình theo đuổi đam mê này qua câu chuyện của Tấn Tài nhé!
Chào Tài, bạn có thể giới thiệu bản thân đến các đọc giả của The Highball được không?
Xin chào The Highball, mình là Tấn Tài, mình sinh năm 1995 ở Đồng Nai. Hiện tại mình đang sinh sống ở Sài Gòn và là chủ cửa hàng áo đấu bóng đá vintage và tiệm cà phê - ivylory.
Điều gì đã khiến cho bạn bắt đầu sưu tập những chiếc áo đấu vintage và duy trì đam mê này?
Mọi thứ đến với mình cũng rất tự nhiên! (Cười!)
Trong một lần vô tình mình đang tìm quần áo cũ trên các hội nhóm và trùng hợp năm 2021, tại thời điểm sau dịch thì xu hướng Blokecore đang bùng nổ, mình đã mua được một chiếc áo đấu vintage đầu tiên của câu lạc bộ Manchester United mùa giải năm 1996 phiên bản sân nhà.
Từ những ngày đầu tiên, điều khiến mình hứng thú về phong cách này là mỗi chiếc áo khi được sản xuất ra đều có chất liệu đặc trưng qua từng thời kì và câu chuyện lịch sử đằng sau của mỗi câu lạc bộ hoặc quốc gia. Từ đó mình quyết định theo đuổi đam mê đến ngày hôm nay!
Có cầu thủ hoặc câu lạc bộ nào mà bạn ngưỡng mộ và ảnh hưởng đến phong cách sưu tập của bạn không?
Cũng giống như phần lớn những đứa trẻ khác, tuổi thơ của mình gắn liền với việc “ăn ngủ” cùng trái bóng tròn và thần tượng của mình là Cristiano Ronaldo!
Trước đây mỗi lần mình đi đá bóng cùng với hội bạn bè, phần lớn những chiếc áo mình mặc không quá chú trọng về hình thức phải thật “xịn” đâu. Chỉ cần có tên của thần tượng mình được in sau lưng thôi!
Nhưng sau khi bắt đầu nghiêm túc tìm hiểu về áo đấu vintage thì những câu lạc bộ mà Ronaldo đang thi đấu luôn nằm trong “wishlist” của mình. Chiếc áo đầu tiên có tên anh trong bộ sưu tập của mình là chiếc áo Manchester United năm 2021 – đánh dấu cộc mốc 12 năm rời đi và trở lại mái nhà xưa Old Trafford.
Mặc dù đây không phải chiếc áo vintage nhưng nó đã bắt đầu khiến mình “trở về quá khứ” và tìm kiếm những mẫu áo của thần tượng mình trước đây!
Mỗi chiếc áo đấu đều mang một câu chuyện đằng sau. Bạn có thể chia sẻ câu chuyện của chiếc áo nào mà bạn coi là "báu vật" của mình không?
Cá nhân mình là hình ảnh chiếc áo mùa giải 1992 - 1994 của Man United sẽ luôn xuất hiện đầu tiên. Một phiên bản kỉ niệm khi giải bóng đá quốc nội của Anh được đổi tên từ FA Carling Premiership thành Premier League và sử dụng đến ngày nay.
Điều khiến mình cực kì yêu thích chiếc áo đấu này bởi vì câu chuyện đằng sau. Vào năm 1902, một đội bóng nhỏ trong vùng Newton Health thuộc thành phố Manchester đã đi đến phá sản và được các ông chủ khác mua lại, từ đó đổi tên chính thức thành Manchester United. Với mình, có thể nói đây là một khoảnh khắc chuyển giao lịch sử để hình thành nên sự vĩ đại của câu lạc bộ!
Đây là mẫu áo thứ ba được câu lạc bộ sử dụng trong mùa giải với phối màu “half-and-half” vàng và xanh lá nhằm tri ân cho nguồn gốc ban đầu của họ - Newton Heath FC. Phần họa tiết của áo được in chìm và có cả dây rút trên cổ, đặc biệt những chiếc áo đấu trong giai đoạn thập niên 90s rất ưa chuộng dạng thiết kế polo.
Đây là một trong những mẫu áo khá hiếm và may mắn mình đã kịp sở hữu chiếc áo vào bộ sưu tập cá nhân.
Theo bạn thì điều gì khiến cho những chiếc áo đấu vintage trở nên “hấp dẫn” hơn so với áo đấu ngày nay?
Trước khi ”bén duyên” với những chiếc áo đấu vintage, mình đã có niềm đam mê đặc biệt đối với thời trang vintage!
Vì thế, điều hấp dẫn nhất đối với mình có lẽ là những giá trị thời gian mà từng chiếc áo mang lại. Dù trải qua 20 hay 30 năm tuổi đời nhưng mỗi lần khoác lên chiếc áo đấu và phối cùng những món đồ khác, mình có cảm giác như đang tái hiện lại vẻ đẹp của thời trang cổ điển qua phong cách riêng. Có thể nói “ tuy cũ nhưng lại mới”.
Phần lớn mình sẽ tập trung vào những chiếc áo nằm trong giai đoạn thập niên 1990 – 2000. Ở giai đoạn này, áo thi đấu sẽ được làm với phần phom dáng rộng rãi mang lại sự thoải mái cho các cầu thủ khi di chuyển trên sân. Áo cũng được thiết kế với nhiều họa tiết bắt mắt và màu sắc sặc sỡ, với gu sưu tầm của mình thì chiếc áo nào càng nổi bật sẽ càng “kích thích” mình hơn! (Cười!)
Trong cuộc chơi áo đấu vintage, theo bạn làm thế nào để phân biệt sự khác nhau trong thiết kế ở từng thời kỳ cụ thể trong lịch sử bóng đá?
Khi sở hữu một chiếc áo đấu thì đầu tiên mình sẽ tìm hiểu xem những thông tin liên quan về năm của mùa giải, thành tích câu lạc bộ hoặc quốc gia, những tên tuổi nổi tiếng nào từng mặc, sự kiện nổi bật trong thời kỳ đó,…Tất cả những thông tin đó sẽ được mình ghi chú kĩ càng, và mình cũng xem đây như một cách để ghi nhớ và bổ sung kiến thức cho bản thân!
Ngoài ra, mình cũng nhận diện dựa trên các yếu tố thông qua chất liệu vải polyester, phom dáng và tay áo rộng, các chi tiết về logo đội bóng, logo nhà tài trợ, và họa tiết trên áo cũng là yếu tố quan trọng để xác định thời kỳ.
Theo như The Highball đã tìm hiểu và biết rằng bạn không chỉ sưu tầm áo đấu vintage mà còn sở hữu một cửa hàng ivylory - kết hợp giữa bán áo đấu và cà phê. Bạn có thể chia sẻ thêm về không gian độc đáo này không?
Trước đây mình từng kinh doanh một cửa hàng sneakers và sau một thời gian hoạt động, mình đã “dừng lại” với mong muốn tìm ra những ý tưởng mới. Chính trong khoảng thời gian ấy, từ những trải nghiệm tìm tòi và đam mê đối với phong cách Blokecore nên mình quyết định thành lập ra ivylory.
Có thể nói ivylory là một nơi để cá nhân mình có thể được thỏa sức thể hiện tình yêu với bóng đá, đặc biệt là những chiếc áo đấu vintage!
Với mình đây không chỉ đơn thuần là một cửa hàng mà còn là không gian kết nối những người bạn có chung đam mê, nơi mọi người có thể giao lưu, chia sẻ những câu chuyện ý nghĩa đằng sau mỗi chiếc áo và là điểm đến lý tưởng cho những ai yêu thích văn hóa cổ điển!
Đâu sẽ là 5 chiếc áo đấu vintage mà bạn yêu thích nhất trong bộ sưu tập của mình?
Đầu tiên sẽ là chiếc áo sân nhà của đội tuyển quốc gia Việt Nam năm 1999 được danh thủ Nguyễn Hữu Đang mặc thi đấu, và mình đã tìm mua lại từ một nhà sưu tầm áo match-worn (áo đã được cầu thủ mặc và thi đấu) từ Thái Lan. Đây cũng là chiếc áo đấu vintage duy nhất mình có của tuyển Việt Nam.
Tiếp theo là chiếc áo Manhester United phiên bản cúp C1 năm 1999 với thành tích cú ăn ba vĩ đại. Chiếc áo này rất có ý nghĩa với mình bởi vì ngoài câu chuyện thành tích ra thì mình còn được chia sẻ lại bởi một người bạn trong cộng đồng áo đấu vintage.
Năm 1998 cũng đánh dấu lần đầu tiên Nhật Bản được góp mặt ở sân chơi quốc tế cấp độ cao nhất – World Cup. Với họa tiết lửa được in chìm khắp thân áo khiến mình rất ấn tượng, đồng thời thể hiện được tinh thần Samurai xanh bất diệt của quốc gia này.
Chiếc áo Man United sân nhà năm 2008 với logo nhà tài trợ AIG được in nổi bật giữa thân áo và thiết kế sau lưng có hai sọc trắng. Đây cũng là mùa giải tiếp theo câu lạc bộ lên ngôi vương Châu Âu và bắt đầu thời kì hâm mộ Ronaldo của mình!
Cuối cùng là chiếc áo sân khách của tuyển Đức năm 1994 với thiết kế huyền thoại mang hình ảnh cánh đại bàng trải dài từ tâm ngực ra hai bên cánh tay. Điểm nhấn nổi bật của chiếc áo là màu xanh cổ vịt đặc trưng, một sắc màu đã trở thành biểu tượng gắn liền với áo sân khách của đội tuyển Đức trong nhiều năm qua.
Cảm ơn Tài ngày hôm nay đã chia sẻ những câu chuyện thú vị đằng sau mỗi chiếc áo đấu vintage. Chúc Tài thật nhiều sức khỏe và thành công trong những dự án sắp tới của ivylory!
Comments