top of page
Writer's pictureThe Highball Vietnam

ONITSUKA TIGER CORSAIR & NIKE CORTEZ | The Highball Tips

2 mẫu giày kinh điển có bề ngoài giống nhau đến 90%, đến từ hai “gã khổng lồ” hàng đầu trong ngành hàng trang thiết bị thể thao, một từ Mỹ, một từ Nhật Bản. Liệu có mối liên kết nào đặc biệt giữa hai dòng giày này??!


Tất cả bắt đầu vào năm 1964 khi Phil Knight - một doanh nhân trẻ, gặp gỡ Bill Bowerman - một huấn luyện viên điền kinh tại Đại học Oregon, Mỹ. Cả hai người này nhìn thấy một tiềm năng khổng lồ trong ngành phân phối trang thiết bị tập luyện thể thao, mà cụ thể là bộ môn điền kinh đang lên ngôi vào giai đoạn đó. Cùng với nhau, họ sáng lập Blue Ribbon Sports (BRS) - thương hiệu về sau này trở thành đế chế tỉ đô mang tên Nike.


Khi vừa “khởi nghiệp”, công việc chính của BRS là nhập khẩu và phân phối giày chạy bộ, một trong những khách hàng của họ lúc bấy giờ là Onitsuka Tiger - công ty giày thể thao từ Nhật Bản đã hình thành và phát triển từ năm 1949.



Những sản phẩm hàng đầu của người Nhật, cùng với sự khôn khéo trong chiến lược kinh doanh của Knight và sự am hiểu về điền kinh của Bowerman, đã giúp cho BRS giai đoạn đầu thành công rực rỡ trong việc phân phối sản phẩm của Onitsuka ở thị trường Mỹ.


Cho đến năm 1966, Onitsuka cùng với sự giúp sức của Bowerman đã phát triển và cho ra mắt một mẫu giày hoàn toàn mới để tiếp tục chinh phục thị trường chạy marathon. Mẫu giày mới có tên TG-24 với đặc điểm nổi bật là phần đế dày, mang đến độ giảm chấn tuyệt vời cho gót chân người sử dụng.

Một năm sau đó, với sự kiện thể thao lớn nhất thế giới - Thế vận hội Mùa hè 1968 được tổ chức tại Mexico đang đến gần - Onitsuka Tiger muốn một cái tên mới cho mẫu giày chiến lược này để dễ dàng tiếp thị đến công chúng hơn. Cái tên Aztec - đế quốc cổ đại của đất nước Mexico - ban đầu đã được lựa chọn.


Tuy nhiên, trớ trêu thay, kình địch của họ là adidas lúc bấy giờ đã nhanh tay hơn và cho ra mắt mẫu giày chạy bộ Azteca Gold. Onitsuka không còn sự lựa chọn nào khác là phải tìm một cái tên khác để tránh những rắc rối về pháp lý với adidas.

Cuối cùng, trong một quyết định gấp gáp, Onitsuka đã chọn cái tên “Cortez” - lấy cảm hứng từ tên nhà thám hiểm người Tây Ban Nha Hernan Cortes - người mà theo sự giải thích của Bowerman “đã đánh văng bọn Aztec!”.


*FUN FACT: vào năm 1967, phát biểu của Bowerman dường như chỉ là một thông điệp marketing mang tính cạnh tranh quyết liệt và mỉa mai với adidas, nhưng nếu xét vào bối cảnh hiện tại, ông đã có thể đứng trước một thảm họa truyền thông.

Việc đặt tên một sản phẩm theo tên một nhà thám hiểm Tây Ban Nha đã đô hộ, tàn sát người Aztec vào thế kỷ 16, góp phần làm sụp đổ một trong những đế chế cổ đại lớn nhất lịch sử loài người - sau đó phát hành sản phẩm này ở Mexico… điều này có thể dễ dàng khiến một thương hiệu bị tẩy chay nặng nề tại đất nước này.

Sự thành công của mẫu giày Onitsuka Cortez tại Olympic Mexico 1968 đã khiến nó trở thành mẫu giày bán chạy nhất lịch sử của cả hai công ty BRS và Onitsuka. Cho đến năm 1971, khi Knight và Bowerman đổi tên công ty BRS thành Nike, họ đã tiếp tục sản xuất mẫu giày này và thay thế phần sọc kinh điển của Onitsuka với logo mới của mình là dấu “swoosh” huyền thoại. Vận động viên điền kinh huyền thoại Steve Prefontaine là người đã gắn liền tên tuổi của mình với dòng giày Nike Cortez nhờ vào những thành công của ông vào năm 1972.



Sau đó, điều gì phải đến cũng đến, những tranh chấp giữa hai thương hiệu về việc ai sở hữu mẫu giày này và ai được phép tiếp tục kinh doanh nó dần xuất hiện. Hàng loạt những vụ tranh tụng diễn ra cho đến năm 1974, những phán quyết cuối cùng của toà án cho phép đôi bên đều được tiếp tục mẫu giày này, nhưng Onitsuka Tiger phải lựa chọn một cái tên khác - Corsair.


Corsair là một từ cổ gốc Latin có nghĩa là “cướp biển”, tại sao chúng ta không cảm thấy ngạc nhiên khi Onitsuka Tiger chọn cái tên này nhỉ?

“The rest is history” - phần còn lại là lịch sử, như chúng ta đã biết, Nike Cortez dần trở thành một tượng đài trong gia phả những thiết kế giày có sức ảnh hưởng nhất của Nike bên cạnh những thiết kế như Air Force 1, Air Max 90...


Bắt đầu là một đôi giày thành công trên đường chạy, Cortez đã phát triển cùng với sự bùng nổ của văn hoá Mỹ trong nghệ thuật, âm nhạc, phim ảnh… xuất hiện trên chân những cái tên gạo cội trong âm nhạc như Elton John, đến những ngôi sao điện ảnh như Tom Hanks trong Forrest Gump, đến những ngôi sao hip-hop như Eazy-E hay những b-boy trên khắp nước Mỹ… Cortez dần đi vào văn hoá Mỹ như một đôi giày “must-have”.


Khác với Cortez khi gắn liền số phận của mình với văn hoá Mỹ ồn ào và một cỗ máy marketing khổng lồ của Nike. Onitsuka Tiger Corsair có một hành trình trầm lặng hơn, ít phối màu được sản xuất và truyền thông kém rầm rộ, nhưng với vị thế của mình, nó chưa bao giờ bị lãng quên - y như cách người Nhật duy trì những giá trị của họ.

Hai đôi giày giống nhau gần như toàn bộ, chỉ khác nhau mỗi phần branding (thương hiệu) trên thân giày có lẽ cũng đã mang theo chúng những giá trị tinh thần khác nhau. Câu chuyện lịch sử về sự liên quan giữa hai mẫu giày này sẽ giúp bạn lựa chọn dễ dàng hơn cho bản thân mình. Nếu bạn thích những hình tượng văn hoá Mỹ, sự nắm bắt xu hướng thời trang và văn hoá hip-hop thì Nike Cortez có lẽ rất hợp lý. Còn nếu bạn thích những giá trị của người Nhật, sự trầm lặng, giá trị truyền thống và tính đơn giản, thì hãy thử Onitsuka Tiger Corsair nhé!



310 views

Comments


bottom of page