Patagonia: Kẻ Mở Đường Cho Thời Trang Bền Vững | The Highball Story
- Nhật Minh
- Jul 29, 2024
- 7 min read
Ngành thời trang được xem là một trong các ngành công nghiệp ảnh hưởng tiêu cực nhất đến môi trường (tổng thải hơn 10% lượng khí nhà kính hàng năm và 35% lượng hạt vi nhựa, 20% nước xả thải công nghiệp vào đại dương). Chính điều này đã và đang khiến thế giới không ngừng gánh chịu các tác động cực đoan do thiên nhiên gây ra.
Nổi bật giữa các thương hiệu thời trang tên tuổi chỉ mới ở giai đoạn “nhận thức” và “le lói” các bước chuyển mình nhằm đạt quá trình vận hành xanh - sạch, có một nhân tố đã không ngại câu chuyện lợi nhuận mà thực hiện vô số công tác bảo vệ môi trường từ những năm 1970, đó là Patagonia - thương hiệu hàng đầu về thời trang ngoài trời. Để giải bài toán về thời trang bền vững, Patagonia đã cho ra đời những món đồ, phụ kiện có giá trị thẩm mỹ lẫn công năng cao vượt thời gian.
Nhân Ngày Bảo tồn Thế giới 28/7, hãy cùng The Highball khám phá sứ mệnh giải cứu Trái Đất của Patagonia và những phụ kiện thời trang trường tồn của thương hiệu hơn 50 tuổi này nhé!

Từ “Hội Chim Ưng” đến thương hiệu hình núi kinh điển
Mọi chuyện bắt nguồn khi chàng trai 14 tuổi Yvon Chouinard tập tành thú vui leo núi với đàn anh của mình trong hội “Southern California Falconry Club” (tạm dịch: Hội Chim Ưng Nam Cali).
Những tháng ngày năm 1953, Yvon đã được anh cả Don Prentice dạy kĩ thuật trèo xuống tổ chim ưng cheo leo trên các vách núi. Tình yêu cả đời với leo núi của Yvon Chouinard lớn lên từ đây.
Từ đam mê leo núi, Yvon dần tìm hiểu về dụng cụ leo núi và chế tác riêng cho mình những công cụ leo núi tương thích. Năm 1957 đánh dấu cột mốc chàng thanh niên Yvon rèn được các chiếc móc leo núi đầu tay.

Vào năm 1965, ông bắt tay hợp tác với đồng môn Tom Frost - một kỹ sư hàng không và thành lập nên Chouinard Equipment. Trong giai đoạn 10 năm, Yvon đã nâng tầm vị thế của doanh nghiệp từ một hộ kinh doanh phụ kiện leo núi nhỏ lẻ đến nhà cung cấp dụng cụ ngoài trời xuyên bang lớn nhất nước Mỹ.
Doanh nghiệp ngày một lớn mạnh nhờ không ngừng cải tiến sản phẩm. Cuối năm 1971, hai nhà sáng lập không muốn Chouinard Equipment chỉ đơn giản là một thương hiệu vươn lên từ bán móc leo thép hay khung chêm nhôm, họ lấn sân sang mảng may mặc vì tin rằng những trải nghiệm leo núi tốt nhất phụ thuộc lớn vào quần áo các nhà leo núi khoác lên mình.
Chiếc áo đấu rugby từ Scotland sọc ngang, tay dài, có cổ là sản phẩm đầu tiên Yvon Chouinard quyết định đem về và phân phối. Yvon chọn loại áo này vì sự dày dặn, lì lợm của nó trong từng đường may nhằm chịu đựng những cú húc, va chạm, và ma sát khi được mặc để thi đấu tại các thánh địa ở Scotland.

Từ nhập khẩu, người con trưởng thành từ vùng nam California quyết định đầu tư nghiên cứu và phát triển đa dạng mẫu áo, quần: áo rugby, áo len, áo khoác chống thấm dệt từ sợi Synchilla, đồ lót thấm hút sản xuất từ sợi Capilene.
Ngày 9/5/1973, cửa hàng quần áo đầu tiên của Patagonia chính thức được khánh thành dưới cái tên Great Pacific Iron Works, thành phố Ventura, bang California (đến nay trụ sở chính của Patagonia vẫn được đặt ở đây). Tên và logo thương hiệu được truyền cảm hứng mạnh mẽ từ dãy Patagonia sừng sững nối liền hai quốc gia Chile và Argentina.

Những mỏm đá hun đúc sứ mệnh xanh
Patagonia vốn mang trong mình tình yêu đặc biệt với thiên nhiên khi còn là tiền thân Chouinard Equipment.
Tình yêu đó bắt nguồn khi Yvon Chouinard nhận thấy sản phẩm leo núi của mình, mà móc leo thép là tác nhân chính, đang tàn phá những mỏm đá nơi các nhà leo núi thường xuyên hoạt động. Vì lớn lên cùng núi non, Yvon thấy chạnh lòng khi vô tình trở thành kẻ thù của thiên nhiên. Ông sau đó đã tối thiểu hóa lượng bán ra của móc leo thép và thay bằng khung chêm nhôm, vừa hỗ trợ leo núi tốt hơn vừa không hủy hoại môi trường hoang dã.

Khi vận hành Patagonia, nhà sáng lập sinh năm 1938 theo đuổi nhất quán một tuyên bố sứ mệnh - là hãng thời trang chậm, phản xu hướng, bền vững, và thân thiện với Mẹ Thiên Nhiên.
Patagonia kiên quyết cam kết với các hoạt động về môi trường. Hàng năm, thương hiệu với hơn 70 cửa hàng toàn cầu này trích 10% lợi nhuận thường niên và 1% doanh thu ròng cho các tổ chức bảo tồn thiên nhiên nhỏ/tự phát, thúc đẩy họ trong tiến trình nghiên cứu và bảo tồn đời sống hoang dã. Từ năm 1985, Patagonia đã chi gần 150 triệu USD để thực hiện các chiến dịch giáo dục về môi trường và biến đổi khí hậu.

Patagonia còn làm rúng động giới chức nước nhà khi nộp đơn kiện chính phủ Mỹ (dưới thời Tổng thống Donald Trump) vào năm 2017. Đây là nỗ lực thể hiện quyết tâm bảo vệ thiên nhiên của thương hiệu tại thời điểm vị tổng thống thông qua kế hoạch cắt giảm 85% diện tích của hai di tích quốc gia thuộc bang Utah: Bears Ears National Monument và Grand Staircase-Escalante National Monument.
Năm 2022 đã chứng kiến sự chuyển hướng trong bộ máy quản trị của tập đoàn được định giá hơn 3 tỉ đô. Yvon Chouinard đã trao tặng 100% cổ phiếu biểu quyết (tương đương 2% cổ phiếu của tập đoàn Patagonia) cho công ty con là Patagonia Purpose Trust để duy trì các giá trị và sứ mệnh cốt lõi, trên cương vị là nhà hoạt động về môi trường của thương hiệu. Đồng thời, vị chủ tịch người Mỹ chuyển 100% cổ phiếu không có quyền biểu quyết (tương đương 98% cổ phiếu của tập đoàn Patagonia) cho The Holdfast Collective - tổ chức phi lợi nhuận thành lập để ứng phó với các vấn đề về thiên tai.

Quần, áo, và chiếc logo biểu tượng
Patagonia là một trong những thương hiệu hàng đầu về thời trang ngoài trời. Điều này đồng nghĩa với việc nhãn hàng sẽ tập trung phát triển và sản xuất những sản phẩm có công năng sử dụng cao, sao cho tối ưu nhất đối với tệp khách hàng lớn ở mảng leo núi, đi bộ đường dài, cắm trại, câu cá, v.v.
Tuy nhiên, không vì vậy mà danh mục sản phẩm của Patagonia không có “gu”. Các mặt hàng quần áo của thương hiệu này luôn được chỉnh chu về phần nhìn. Điều này giúp người mặc không chỉ được trải nghiệm công nghệ tiên tiến mà còn có thể ứng dụng thực tiễn vào thời trang hàng ngày, đơn cử là Gorpcore - xu hướng phối đồ ngoài trời theo phong cách đường phố và Techwear - xu hướng ăn mặc xoay quanh các món đồ sản xuất bởi nhiều công nghệ tích hợp.
Để giảm thiểu lượng quần áo cũ hay dễ hư hỏng thải ra ngoài môi trường, Patagonia đã tuân theo kim chỉ nam tồn tại gần một thế kỉ - tạo ra sản phẩm bền bỉ cùng năm tháng. Ngoài ra, khi được tạo điểm nhấn bằng chiếc logo in hình dãy núi Patagonia đầy tính biểu tượng, mọi sản phẩm dường như trở nên đặc biệt hơn gấp bội.
Những yếu tố cộng hưởng đã làm nên một Patagonia trường tồn trong mắt người tiêu dùng. Một số món đồ “không tuổi” có thể điểm qua là:
Patagonia Logo T-shirt


Patagonia Baggie Shorts & Patagonia P-6 Logo LoPro Hat

Chiến dịch “tự hủy” nhắm đến hiện trạng tiêu dùng thừa
Don’t Buy This Jacket - Đừng Mua Chiếc Áo Khoác Này là chiến dịch quảng cáo nổi tiếng nhất của Patagonia trước thềm Black Friday 2011 - Thứ 6 khuyến mãi khủng sau Lễ Tạ Ơn.
Thông qua biểu ngữ “không mời gọi” mua sản phẩm của chính mình, Patagonia cố gắng đưa ra thông điệp mạnh mẽ: không mua khi không cần thiết, chung tay hướng đến văn hóa tiêu dùng thông minh.

Tưởng rằng như con dao hai lưỡi khi chiến dịch có thể gây ấn tượng xấu cho hình ảnh thương hiệu, Don’t Buy This Jacket lại được hưởng ứng mạnh mẽ bởi thị trường sốt sắng vì Black Friday cận kề. Theo lời Giám đốc Marketing Jonathan Petty, chiến dịch đã thành công gây dựng nên một cộng đồng “đầu” Patagonia - những cá nhân cảm kích giá trị, hành động, và sản phẩm mà nhãn hàng này kì công tạo nên.
Bên cạnh đó, Patagonia còn thành lập Worn Wear Hub - trung tâm hỗ trợ chỉnh sửa và cải tạo các sản phẩm đã hư, cũ. Mục tiêu của chương trình và trung tâm này là giúp kéo dài tuổi thọ của những món đồ tưởng chừng nên vứt đi, góp phần giảm thiểu lượng quần áo thải ra môi trường.

Trong cuốn tự truyện Let My People Go Surfing của mình, Yvon Chouinard đã viết: “The more we know, the less we need” (tạm dịch: Càng hiểu, ta càng cần ít đi). Với ông, con người chính là vấn đề lớn nhất môi trường phải đối mặt vì ta luôn mưu cầu vật chất không cần thiết. Cách đơn giản nhất mà một người có thể làm nhằm góp phần bảo vệ môi trường là mua ít, sở hữu ít, nhưng các món đồ đều chất lượng và có giá trị thời gian.
Patagonia được bình chọn là thương hiệu uy tín nhất nước Mỹ vào năm 2023 và đạt chứng nhận B Corp - tiêu chuẩn cao nhất của doanh nghiệp về thực hiện công tác xã hội và môi trường.
So với nhiều gã khổng lồ trong ngành thời trang, đặc biệt là trong mảng thời trang ngoài trời như The Northface, Arc’teryx, hay Columbia, Patagonia luôn có chỗ đứng cho riêng mình dù không liên tục tung ra sản phẩm đình đám.
“Không phải anh hùng nào cũng mặc áo choàng” là câu nói xứng đáng dành cho thương hiệu ra đời năm 1973 - luôn âm thầm kiến tạo tương lai, “chơi lớn” hơn tất thảy khi không ngừng tìm cách để lại dấu chân carbon xanh giữa thế giới mà lợi ích tài chính là thứ che mắt chính phủ và các nhà tài phiệt.
Trên góc độ của The Highball, Patagonia chính là thương hiệu có tầm nhìn xa trông rộng nhất, xét ở cả hai tâm thế là trách nhiệm kinh doanh và trách nhiệm xã hội. Nếu bạn muốn trở thành một phần của cách mạng xanh, hãy đừng ngần ngại hoà nhịp vào tinh thần thương hiệu và đưa Patagonia vào phong cách sống ccủa bản thân nhé!