Roy Lichtenstein - Chuyển hóa điều bình dị thành nghệ thuật
- Hải Quân
- Mar 9
- 5 min read
Nghệ thuật đại chúng tiếp tục ảnh hưởng đến thế kỷ 21 với hai cái tên nổi bật là Andy Warhol và Roy Lichtenstein. Di sản của Warhol và Lichtenstein đều được ca ngợi nhờ tạo ra cầu nối khám phá mối quan hệ giữa mỹ thuật, quảng cáo và chủ nghĩa tiêu dùng.
Nếu như tác phẩm của Andy Warhol lấy cảm hứng từ chân dung người nổi tiếng hay lon súp thương hiệu, Roy Lichtenstein lại chọn hướng đi sao chép lại các khung truyện tranh và quảng cáo hàng ngày. Cả hai đều có những góp phần quan trọng nhằm củng cố cho hình ảnh về nghệ thuật thiết kế công nghiệp mà chúng ta thường thấy ngày nay.
Dẫu cho những tác phẩm của Roy Lichtenstein vẫn vấp phải nhiều tranh cãi về tính bản quyền, nhưng chúng vẫn để lại tầm ảnh hưởng quan trọng trong thiết kế công nghiệp ngày nay. Thông qua bài viết này, The Highball sẽ cùng bạn đọc bóc tách thêm về những chiêm nghiệm nghệ thuật của một trong những biểu tượng Pop Art của nhân loại!

Chuyển hóa điều bình dị thành nghệ thuật
Roy Lichtenstein (1923 - 1997) là một cựu binh và giảng viên nghệ thuật sau chiến tranh. Từ phong cách Lập Thể và Trừu Tượng, sự thay đổi của nền công nghiệp sau chiến tranh đã khiến ông cải đạo sang trường phái Biểu hiện trừu tượng. Bước chuyển đổi này đã khiến các phẩm của ông có sự xuất hiện của các nhân vật hoạt hình như Chuột Mickey và Thỏ Bugs.
Các tác phẩm của Lichtenstein lấy cảm hứng từ truyện tranh, có nội dung về chiến tranh và những câu chuyện lãng mạn, hay bình thường hơn là đồ gia dụng như giày thể thao, xúc xích và bóng gôn. Bảng màu của ông mang tính tương phản cao, đặc trưng của Nghệ thuật Đại chúng, cũng như việc chủ nghĩa tiêu dùng ở Mỹ được Lichtenstein đặt vào bối cảnh nghệ thuật cao hơn và được công nhận rộng rãi hơn.
Đều là trụ cột của Pop Art, cả Warhol và Lichtenstein đều tham khảo các biểu tượng đại chúng và áp dụng những kĩ thuật giống nhau, nhưng vẫn có những khác biệt lớn giữa sự nghiệp của họ. Thực tế, tác phẩm của Warhol mượn lại từ những thương hiệu/cá nhân đã có tiếng, trong khi Lichtenstein lại cài cắm lịch sử nghệ thuật thông qua các đồ vật. Ông cũng không tạo hình ảnh trước công chúng, còn Warhol luôn vào vai một người bí ẩn. Nói cách khác, quan điểm của Lichtenstein về ý nghĩa của việc trở thành một nghệ sĩ khá khiêm tốn, không phô trương.

Một phong cách công nghiệp
Thiết kế công nghiệp luôn nhấn mạnh tính in hàng loạt và tham khảo biểu tượng có tính nhận diện cao. Vào đầu những năm 1960, công nghệ in ấn thương mại đang phát triển mạnh và dĩ nhiên, các nghệ sĩ Pop Art đã không bỏ qua cơ hội này. Lichtenstein lần đầu áp dụng kỹ thuật in ấn Ben Day cho tác phẩm nổi tiếng “Look Mickey.”
Tác phẩm của Roy Lichtenstein là một sự giao thoa của công thức đồ họa và sự mã hóa cảm xúc của những tác giả khác mà ông vay mượn. Ra đời vào năm 1879, quy trình Ben Day là một kỹ thuật in và khắc ảnh để tạo ra các mảng nhiều màu khác nhau bằng cách sử dụng các mẫu mực tinh xảo trên giấy. Dấu chấm Ben Day thường gợi lên hình ảnh trong truyện tranh màu và Lichtenstein biến kĩ thuật này làm dấu ấn trong nghệ thuật thương mại.
Trong quy trình nghiêm ngặt này, ông đã sử dụng các mẫu đục lỗ để sao chép và phóng đại các dấu chấm được sử dụng trong in ấn. Các biến đổi của ông đối với hình ảnh gốc bao gồm việc giảm bảng màu thành các màu bão hòa, loại bỏ các chi tiết ngẫu nhiên, tăng độ tương phản và nhấn mạnh các khuôn mẫu của việc in thương mại. Ví dụ, “Drowning Girl” được cắt bỏ phần lớn cảnh gốc và sửa đổi câu từ trong bong bóng văn bản, khuếch đại hình ảnh một thiếu nữ gặp nạn.

Phong cách làm việc của Lichtenstein mâu thuẫn với lý tưởng ông theo đuổi: “phong cách truyện tranh thường bị cho ra rìa trong nghệ thuật chính thống”. Thực tế, nhiều tác giả truyện tranh đương thời đã chỉ trích việc Lichtenstein sao chép các khung tranh của họ.
Các tác phẩm truyện tranh của Lichtenstein gây ra một cuộc tranh luận về giá trị của chúng như một tác phẩm nghệ thuật. Mặc dù được một số người chấp nhận, nhưng vẫn có những lo ngại được các nhà phê bình chỉ ra việc Lichtenstein đã không ghi công, không trả bất kỳ khoản tiền bản quyền và không xin phép các nghệ sĩ gốc hoặc người nắm giữ bản quyền.
Tác động của Lichtenstein ảnh hưởng lớn đến cộng đồng truyện tranh đến mức làm nổi bật tầm quan trọng của việc xem xét định dạng xuất bản truyện tranh, tính nguyên bản trong thiết kế công nghiệp, cũng như nền kinh tế chính trị được ngụ ý trong truyện tranh chính thống của Mỹ.

Thời trang
Sự phổ biến và dễ hiểu của Nghệ thuật Đại chúng đã trở thành những cú bắt tay hợp tác trong ngành thời trang. Nhiều năm sau khi Lichtenstein qua đời, nghệ thuật của ông vẫn là nguồn cảm hứng cho Supreme vào năm 2006 và sau đó cùng với Thrasher, Uniqlo, Puma cho đến các thương hiệu giày Adidas và Converse. Các nhà thiết kế và thương hiệu đã chọn những tác phẩm mang tính biểu tượng nhất như “Crying Girl” (1963) và “Sweet Dreams, Baby!” (1965).
Mặt khác, cùng bởi thường mô tả hình ảnh những người phụ nữ bị tổn thương, nên các tác phẩm của Roy Lichtenstein được xuất hiện trên nhiều các thiết kế nữ tính. Nữ ca sĩ Rita Ora đã tham khảo bức tranh “Head” của Lichtenstein với màu xanh và đỏ trong bộ sưu tập năm 2015 của cô cho hãng giày Adidas Originals.

Trong suốt sự nghiệp của mình, Roy Lichtenstein đã đón nhận những chỉ trích về bản quyền và sao chép, nghệ thuật thượng lưu và văn hóa đại chúng, trừu tượng và hình tượng, thủ công và cơ học để bộc lộ sự phụ thuộc lẫn nhau của nghệ thuật và công nghệ. Mặc dù di sản ông để lại có những tranh cãi, nhưng chúng đã góp phần cho việc định hình thiết kế công nghiệp hiện đại và tính bản quyền đối với một tác phẩm phái sinh.
Comments