Biểu tượng Smiley Face ngày nay không còn xa lạ với chúng ta, đặc biệt trong bối cảnh của thời đại công nghệ. Trong từng giai đoạn khác nhau, đã có lúc “Smiley Face” là biểu tượng phản đối chiến tranh Mỹ tại Việt Nam cho đến gương mặt đại diện của văn hóa âm nhạc điện tử và nhạc Rock.
Qua từng biến động lịch sử, biểu tượng mặt cười này được in trên quần áo cũng mang một ý nghĩa thời đại nhất định. Việc một đoàn thể hay một tổ chức với hình ảnh mặt cười trên trang phục đã đẩy biểu tượng này nổi tiếng ngang tầm với một biểu tượng tôn giáo.
Ai cũng có thể vẽ được mặt cười và có thể điều chỉnh cảm xúc trong cái vòng tròn đó, nhưng bạn có bao giờ nghĩ biểu tượng này đã có một lịch sử lâu dài chưa? Hãy cùng The Highball tìm hiểu ý nghĩa của Smiley Face nhé!
Một loại ngôn ngữ tượng hình
Từ hàng ngàn năm trước đến hôm nay, mặt cười vẫn giữ tính cốt lõi là một ngôn ngữ tượng hình. Khuôn mặt cười lâu đời nhất được tìm thấy là các mảnh vỡ của một chiếc bình Hittite từ khoảng năm 1700 TCN ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhà thơ Johannes V. Jensen kí hình mặt cười trong một lá thư gửi cho nhà xuất bản vào năm 1900, ông đã đưa vào cả khuôn mặt vui vẻ và buồn bã. Đến năm 1922, Công ty Cao su Gregory ở Mỹ chạy quảng cáo bằng những quả bóng bay "mặt cười" trên tờ báo The Billboard.
Đến những năm 1953 và 1958, những khuôn mặt vui vẻ và buồn bã đã được sử dụng trong các chiến dịch quảng cáo cho các bộ phim Lili và Gigi.
Năm 1961, đài phát thanh WMCA đã kết hợp một mặt cười màu đen vào một chiếc áo nỉ màu vàng. Nhiều người nổi tiếng mặc chiếc áo, trong đó có ngôi sao nhạc rock - Mick Jagger.
Những cuộc tranh chấp quyền tác giả
Chính vì thiết kế đơn giản với 3 nét màu đen và nền vàng, mặt cười đã dính vào nhiều vụ kiện bản quyền sáng tạo lớn nhỏ kể từ những năm 1960. Dưới đây là một số cột mốc bản quyền đáng chú ý.
Nghệ sĩ Harvey Ross Ball - nhà thiết kế ra khuôn mặt cười nổi tiếng nhất vào năm 1963 theo đơn đặt hàng của công ty bảo hiểm State Mutual.
Ông được yêu cầu vẽ một hình ảnh tích cực nhằm nâng cao tinh thần cho nhân viên. Trên nền màu vàng tươi, đôi mắt hình bầu dục sẫm màu, nụ cười có nếp nhăn ở hai bên. Và chỉ trong vòng 10 phút, ông bỏ túi 45 đô la.
Công ty ban đầu phát hành 100 chiếc ghim cài áo, nhu cầu đã tăng nhanh chóng đến mức hơn 50 triệu ghim cài áo mặt cười được tiêu thụ vào năm 1971. Harvey Ball lúc này đã không thể đăng kí bản quyền được vì thiết kế của ông đã trở thành tài sản công cộng.
Trong lúc này, anh em Bernard và Murray Spain tình cờ thấy mặt cười trong một cửa hàng bán ghim áo. Họ biết Harvey Ball nghĩ ra thiết kế này nhưng vẫn muốn chiếm đoạt, sau khi thêm khẩu hiệu “Have a Happy Day”, hai anh em đã sản xuất hàng loạt vật phẩm.
Ở Pháp năm 1972, tờ báo France-Soir với khẩu hiệu "Take The Time To Smile" cũng với biểu tượng mặt cười. Mục tin vui này đã thành công rực rỡ, khiến chủ tòa soạn Franklin Loufrani đã nhanh chóng đi đăng ký bản quyền và lập ra The Smiley Company.
Điều này đã gây ra những mẫu thuẫn với mặt cười của Harvey Ball, dẫn tới việc công ty không đăng ký được bản quyền ở Mỹ, và dính vào vụ kiện thiệt hại hàng triệu đô.
Ban nhạc Nirvana cũng nổi tiếng với chiếc áo mặt cười quảng bá cho album “Nevermind” nổi tiếng. Năm 2018, các thành viên đã kiện nhà thiết kế Marc Jacobs khi ông thay hai con mắt trên mặt cười bằng chữ “M” và “J”, rồi sử dụng để ra mắt cửa hàng quần áo riêng.
Niềm vui được lan tỏa
Về mặt giải trí, văn hóa Rave và Grunge sử dụng Smiley Face như một biểu tượng phản kháng với thời đại. Trong những năm 80, những viên thuốc thức thần được in mặt cười toe toét trong các bữa tiệc, cho đến khi DJ Danny Rampling biến nó trở thành biểu tượng âm nhạc điện tử.
Smiley Face cũng giữ vài trò biểu tượng chính trị khi xuất hiện trong các cuộc biểu tình phản đối Chiến tranh Mỹ tại Việt Nam do cộng đồng hippie khởi xướng. Sau đó, nó tri ân nhà lãnh đạo Mikhail Gorbachev góp công kết thúc Chiến tranh lạnh năm 1991.
Bước sang những năm 1990, sự phát triển của điện thoại cầm tay và thói quen nhắn tin, mặt cười được số hóa dưới dạng biểu tượng cảm xúc (emoji). Yahoo! Messenger trở thành ứng dụng đầu tiên sử dụng các biểu tượng cảm xúc cho việc gửi tin nhắn.
Trải qua hơn 50 năm tuổi, vậy ý nghĩa thực sự nào cho khuôn mặt cười?
Để trả lời, cha đẻ của Watchmen, Dave Gibbons đưa ra một quan điểm bao quát nhất: “Nó chỉ là một mảng màu vàng với ba nét vẽ trên đó. Chẳng có gì phức tạp, nó trống rỗng và sẵn sàng cho một ý nghĩa. Nếu bạn đặt nó trong môi trường là nhà trẻ thì nó rất hợp lý. Nếu bạn lấy nó và đeo nó lên như mặt nạ phòng độc của cảnh sát chống bạo động, thì nó sẽ trở thành một thứ hoàn toàn khác.”
*Grunge: một thể loại rock ra mắt giữa những năm 1980, và Kurt Cobain là một trong những người đưa dòng nhạc này trở nên phổ biến hơn.
*Rave: dòng nhạc điện tử xuất hiện vào cuối những năm 1980.
Khoác lên người chiếc mặt cười
Để kỉ niệm 50 năm kể từ ngày biểu tượng này xuất hiện, công ty The Smiley Company - hiện đang nắm giữ bản quyền chính thức của Smiley Face - đã hợp tác cùng với Lee cho ra mắt BST thời trang nhằm loan toả với thông điệp: 'Take the Time to Smile'.
Các sản phẩm gây sự chú ý trong lần hợp tác này có thể kể đến như áo thun tie-dye và denim jacket với hoạ tiết Smiley Face. Đặc biệt không thể thiếu những mẫu quần jeans của Lee được tô điểm với chi tiết patch - Smiley Lee - được thiết kế ở túi sau.
Như một phần tôn vinh văn hóa Acid house, hãng giày Adidas đã hợp tác với thương hiệu Size? để ra mắt hai mẫu giày Yung-1 và Falcon năm 2018. Mặt cười được sử dụng là từ Trimmy - một linh vật khuyến khích chạy bộ được Liên đoàn thể thao Olympic Đức sử dụng trong những năm 1970.
Nghệ sĩ đương đại Murakami Takashi cũng bông hoa mặt cười và trở thành một biểu tượng của thời trang kể từ 1995. Bông hoa cười của ông chứa giá trị cốt lõi của hội họa Nhật Bản là mặt trăng, tuyết và hoa.
Ngoài ra, bông hoa này còn tượng trưng cho chấn thương mà người Nhật vẫn đang trải qua sau vụ đánh bom hai thành phố năm 1945. Biểu tượng này đã xuất hiện trên đồ trang sức Ben Baller, đồng hồ Tourbillon, túi Porter, các sản phẩm Supreme.
Có lẽ hiếm hoi trong lịch sử nghệ thuật, mặt cười đã giữ một vị trí kép như một biểu tượng phản văn hóa và một hình mẫu của chủ nghĩa tiêu dùng. Nó cũng thể hiện nỗi ám ảnh gần như sùng bái của con người về hạnh phúc và những gì chúng ta bỏ ra để đạt được nó.
Với tư cách là một biểu tượng, Smiley Face sẽ sống mãi khi con người càng nghĩ thêm những ý nghĩa mới cho nó. Mang cho mình sự yêu ghét trớ trêu, mặt cười đã hoàn thành vòng tròn lịch sử văn hóa của nó, cũng như mong cầu cuối cùng của con người: được tự do và hạnh phúc.
Comments