top of page

The Osaka 5: Khi Nhật Bản vẽ nên chương mới cho Denim | The Highball Story

Writer: Châm KhanhChâm Khanh

Dù không phải cái nôi của những chiếc quần denim nhưng có thể nói Nhật Bản tựa như một ngọn hải đăng dẫn đường cho “làn sóng denim” len lỏi vào mọi ngóc ngách của văn hóa đại chúng. Có thể nói, kỹ thuật và tư duy sáng tạo, cùng tình yêu mãnh liệt dành cho phong cách Ametora hay còn là American Traditional. Quốc gia này không chỉ “góp gió” vào công cuộc phục hưng một di sản Mỹ mà còn tái định nghĩa nó theo một lối đi độc bản, mang đến một chuẩn mực bất biến trong ngành thời trang thế giới.


Nếu nhìn lại bối cảnh lịch sử, mối quan hệ giữa Mỹ và Nhật Bản không hẳn là một câu chuyện cổ tích, mà hơn hết đó là một câu chuyện mâu thuẫn và phức tạp. Thế nhưng, chính sự tự do và phóng khoáng của người Mỹ chính là nguồn cảm hứng bất tận, trở thành thứ mà người Nhật luôn dành sự ngưỡng mộ đặc biệt. Có lẽ thế, Denim dễ dàng xâm nhập vào đời sống của người dân xứ sở mặt trời mọc đến mức, nếu đã thuộc “Hội yêu Denim” hay “Hội những tín đồ của phong cách cổ điển”, sẽ không ai là không biết đến cái tên Osaka 5!


Nhưng, tại sao lại là Osaka? Điều gì khiến một thành phố thuộc phía Tây Nhật Bản lại là ngọn nguồn của cuộc cách mạng Denim, chứ không phải Tokyo hoa lệ? Tại sao lại là “Osaka 5”, lại không phải một con số nào khác? Hãy cùng The Highball Vietnam lội ngược dòng quá khứ để đi sâu vào câu chuyện hình thành của “ngũ trụ” Denim này nhé!





Nguồn gốc của cái tên Osaka 5


Osaka 5 thực chất là một tên gọi nhằm chỉ 5 thương hiệu Nhật Bản tiên phong trong lĩnh vực sản xuất Denim chất lượng cao và được mệnh danh là “ngũ trụ” trong giới thời trang cổ điển. Năm thương hiệu bao gồm: Denime, Evisu, Warehouse, Studio D'Artisan, Fullcount. Những thương hiệu này dù mang phong cách và triết lý thiết kế khác biệt nhưng giao điểm mà chúng gặp nhau chính là chung tay định hình một tiêu chuẩn mới cho Denim toàn cầu.


Nói một chút về Denim, đây xuất phát điểm là trang phục thường xuất hiện trong đời sống lao động Mỹ khoảng thế kỷ 19, và chiến tranh lại là khởi nguồn cho cái duyên giữa Denim và Nhật Bản. 


Vào những năm 50, thông qua các binh lính Mỹ trong Thế chiến II, những chiếc quần Denim bắt đầu du nhập vào Nhật Bản. Tuy mối quan hệ yêu-ghét giữa hai quốc gia thời điểm đó vẫn còn nhiều tranh cãi và Nhật cũng đang đối diện với thời kỳ đen tối giai đoạn hậu thế chiến. Thế nhưng những chiếc quần Denim được bày bán tại các chợ đen lại mang đến sức hút lớn đối với người dân xứ sở hoa anh đào.





Chắc có lẽ, đối với người Nhật, Denim không chỉ vượt trội ở chất liệu bền bỉ mà còn là biểu tượng của sự tự do, phóng khoáng mà người Nhật luôn tìm kiếm trong cuộc sống của chính mình. Tuy nhiên, khi những khuôn phép trong xã hội không thể khiến họ sống như người Mỹ, họ lựa chọn tái hiện và “Nhật hóa” những giá trị Mỹ và khiến chúng trở thành một phần trong văn hóa Nhật Bản.


Nếu tại Mỹ có Big Three bao gồm Levi’s, Wrangler, Lee thì tại Nhật - Denime, Warehouse, Studio D’Artisan, Fullcount và Evisu chính là những cái tên đại diện cho tiêu chuẩn chất lượng và sáng tạo của Denim thời điểm đó. 


Dù câu chuyện về xuất phát điểm của Osaka 5 hiện vẫn còn bị đánh giá là còn nhiều điểm mơ hồ và thiếu tính xác thực, nhưng không ai có thể phủ nhận rằng đó là một cuộc cách mạng trong thời trang. Những người đam mê Denim giai đoạn đó không chỉ tìm kiếm một chiếc quần, áo khoác lên người mà còn là một tuyên ngôn văn hóa, khát vọng kết nối với định nghĩa “tự do” mà họ đang mong cầu. 


Câu chuyện về Osaka 5 không chỉ là hành trình làm sống lại một di sản Mỹ mà còn là cách Nhật Bản tái hiện và chuyển hóa tinh thần di sản đó thành biểu tượng của riêng mình. Đây chính là minh chứng cho sự kết nối giữa hai nền văn hóa tưởng chừng cách biệt nhưng lại giao thoa nhau ở: Denim.


Tại sao lại là Osaka?


Khi nhắc đến Osaka 5 chắc hẳn câu hỏi đầu tiên bật lên trong đầu nhiều người sẽ là: “Tại sao không phải là Tokyo?”. Câu trả lời phổ biến thường đưa ra chính là từ lâu.


Osaka được xem là trung tâm lịch sử của nền công nghiệp dệt may tại Nhật Bản. Vốn có bề dày trong truyền thống sản xuất và gia công vải nên nơi đây thường nơi gặp gỡ của nhiều nền văn hóa khác nhau, đặc biệt khi bước vào thế kỷ 20.


Ngoài ra, Osaka còn nổi tiếng với hệ thống các cửa hàng “đồ si”, được xem là thiên đường của các tín đồ phong cách cổ điển, đặc biệt là phong cách Ametora. 


Thông qua việc mua bán trao đổi, tinh thần Mỹ dần đi vào đời sống người dân nước Nhật, đồng thời kích thích tình yêu của họ dành cho Denim. Hơn nữa, so với Tokyo, nơi “sân chơi” dành cho thời trang thường mang hơi hướng toàn cầu và hiện đại thì Osaka chính là “mảnh đất màu mỡ” nuôi dưỡng những tâm hồn “trót yêu” thời trang Denim, nơi những sự khởi đầu nhỏ lẻ chính là ngọn cờ phất lên phong trào phục hưng và nơi các kỹ thuật Denim không ngừng được thử nghiệm và đổi mới.





“Ngũ trụ” Osaka 5


Như đã nói trước đó, “ngũ trụ” Osaka 5 bao gồm các cái tên: Denime, Evisu, Warehouse, Studio D'Artisan, Fullcount. Nếu Fullcount, Warehouse và Denime trung thành với những thiết kế denim cổ điển, hướng đến việc phục dựng và nâng tầm những mẫu quần jeans Levi’s 501 huyền thoại; Evisu và Studio D’Artisan không chỉ giữ gìn mà họ lựa chọn biến tấu thêm với các chi tiết cá tính.


Tuy nhiên, dù theo đuổi mỗi con đường riêng nhưng tất cả đều có một mục tiêu chung: mang Denim vào đời sống và trở thành những cái tên tiên phong trong việc phục hồi ngành công nghiệp dệt may đang trên đà suy thoái ở Kurashiki và Okayama. 


Giai đoạn đánh dấu sự bùng nổ chính là cột mốc những năm 70 khi sản phẩm denim Nhật không chỉ tương xứng về tiêu chuẩn của những chiếc quần Denim “Made in USA” mà còn là sự kết hợp giữa chất lượng, sáng tạo và tầm nhìn văn hóa.


Studio D’Artisan được xem là “anh cả” khi ra đời năm 1979 bởi Shigeharu Tagaki. Thương hiệu này luôn chú trọng đến thủ công truyền thống, với những chiếc quần denim selvedge nhuộm chàm nguyên chất, cùng các chi tiết như khóa lưng cinch-back được nhập khẩu từ Pháp.




Phong cách của Studio D’Artisan hoàn toàn khác biệt với xu hướng giặt sẵn hay acid-washed thịnh hành trong những năm 1980. Họ không chỉ đơn thuần phục chế lại những mẫu quần jeans cổ điển mà còn mạnh dạn đưa vào những ý tưởng mới, làm mới chất liệu denim theo một cách rất Nhật Bản.



Tiếp nối sau đó là Denime ra đời năm 1988, cũng là một cái tên tiêu biểu trong làn sóng Denim tại Nhật. Một điều thú vị là thương hiệu này lại có nguồn gốc từ Kobe, nhưng Osaka mới là “bầu trời lý tưởng” để Denime “tung hoành” và khẳng định vị thế của mình.


Denime nổi bật với sự tái hiện lại phong cách vintage, mang đến một làn gió mới cho thị trường quần denime thời điểm bấy giờ. Đặc biệt, những chiếc quần với khả năng “faded” nhanh chóng đã giúp người yêu thích denim dễ dàng cảm nhận được sự “thấm đẫm” của thời gian.



Evisu – một cái tên không chỉ gây tiếng vang tại Nhật mà còn trở thành những tượng đài Denim trên thế giới. Được thành lập năm 1991 bởi Hidehiko Yamane và Mikiharu Tsujita, Evisu nhanh chóng gây chú ý với họa tiết “Gull wings” sơn tay. 




Dù có sức ảnh hưởng mang tầm quốc tế nhưng Evisu vẫn duy trì sự liên kết chặt chẽ với tinh thần Nhật Bản qua cách họ thể hiện sự tôn trọng và tình yêu dành cho những giá trị truyền thống trong ngành công nghiệp Denim.





Một thương hiệu khác là Fullcount do Tsujita sáng lập. Bên cạnh tính thẩm mỹ, hợp thời trang, họ chú trọng đến sự thoải mái và chất lượng trong mỗi chiếc quần jeans. Họ sử dụng bông Zimbabwe mềm mại và dài để sản xuất những chiếc quần denim “mặc thoải mái đến mức bạn không muốn cởi ra cho đến khi đi ngủ”. 


Với phong cách hướng đến sự thoải mái và linh hoạt trong cuộc sống thường nhật, sự đóng góp của Fullcount mang đến một mảnh ghép mới trong khái niệm Denim khi nó không chỉ dành cho lao động mà còn phù hợp với cuộc sống hàng ngày.




Cuối cùng, “em út” Warehouse được thành lập vào năm 1995 bởi anh em nhà Shiotani. Với phương châm “sự tái hiện trung thực của những trang phục vintage nguyên bản”, Warehouse luôn giữ vững tiêu chí chất lượng và độ tinh xảo trong từng sản phẩm. 




Điển hình, mẫu quần Denim Lot. 1001XX của Warehouse vẫn được coi là biểu tượng của thương hiệu cho đến nay.





Có thể thấy, câu chuyện về “Osaka 5” chính là một giai thoại sống động về sự tái sinh của ngành công nghiệp dệt may tại Nhật Bản, đồng thời cũng là cột mốc đánh dấu sự phát triển Denim trong văn hóa đại chúng. Sự “tham gia” của người Nhật tựa như một chất xúc tác mạnh mẽ, đưa Demin vượt qua khỏi mọi ranh giới văn hóa và thời gian, biến nó thành một ngôn ngữ toàn cầu. 


Đây được xem là minh chứng cho sức mạnh của thời trang: kết nối, bảo tồn và không ngừng phát triển. Ở đó chúng ta có thể thấy được “tự do” chính là nơi các lý tưởng thời trang gặp nhau, nơi Nhật Bản vẽ nên chương mới cho khái niệm Denim, nâng tầm nó trở thành một định nghĩa bất di bất dịch trong từ điển thời trang thế giới.

Comentários


  • Facebook
  • Threads
  • Instagram

The Highball

(+84) 93 872 0737

thehighball.vn@gmail.com

© 2023 by The Highball

Contact

Thanks for submitting!

bottom of page