Các bạn trẻ giờ đây dần không còn thấy quá ‘sến’ với những chiếc áo trích dẫn tiếng Việt, chúng được in rộng rãi như một phương châm thay lời muốn nói của mỗi cá nhân. Hiện tượng này là một điểm sáng trong văn hóa ăn mặc khi ngoại ngữ dần ít ưa chuộng, thay vào đó, tiếng Việt đã có được sự “ngầu” mà nó xứng đáng trong thời trang.
Vào năm 2017, Soulvenir chính thức ra đời ở bang Seattle, Mỹ. Sau một thời gian, nhà sáng lập Tân Nguyễn đã đem thương hiệu về Việt Nam và đồng sáng lập cửa hàng Nay Mai cùng người cộng sự của mình - Như Ý. Hành trình sáng tạo của Tân Nguyễn không chỉ là về thời trang, mà còn tìm về nguồn cội Việt Nam của mình, nơi mà anh đã rời xa từ năm 15 tuổi.
Trong lần này, The Highball đã ghé thăm cửa hàng Nay Mai và có một cuộc trò chuyện với Tân Nguyễn về tất cả những gì mà chúng ta muốn biết về thương hiệu bạn đã và đang gầy dựng!

Xin chào Tân, bạn có thể giới thiệu một chút về bản thân cũng như về Soulvenir dành cho những ai lần đầu biết đến không?
Xin chào các bạn độc giả của The Highball, mình là Tân hoặc được nhiều người biết đến với tên gọi Tân Nguyễn. Hiện nay mình đang sinh sống và làm việc tại Sài Gòn.
Soulvenir với mình là một dự án là về lịch sử, văn hóa và con người của Việt Nam. Cái tên này mình nghĩ có thể đọng lại trong tâm trí người nghe, cho dù họ không biết đây dự án gì. (Cười!)
Nguồn gốc của từ Soulvenir cũng khá bình dân, nó vốn là dự án tốt nghiệp trong trường thiết kế của mình lúc ở Mỹ. Thầy giáo cho phép mọi người làm dự án tự do. thế nên mình đã quyết định chọn làm một thương hiệu quần áo lấy ý tưởng từ các địa danh trên thế giới từ New York, Seattle cho đến Sài Gòn, Hà Nội.
Trong những thiết kế đó, Hà Nội và Sài Gòn để lại ấn tượng cho mình nhiều nhất. Lúc đó, chữ Sài Gòn và tất cả địa danh như Thảo cầm viên trên áo, tự dưng mình thấy nó rất hay. Mình cảm thấy bản thân có thể đại diện một cái gì đó của cuộc sống mình, của tuổi thơ - toàn bộ con người mình trên quần áo.
Nó có thể đem lại tiếng nói ngang hàng như một thứ gì đó rất đẹp, đậm tính thiết kế. Nên là tại sao mình phải làm về New York hay Paris trong khi mình có thể 100% làm về Sài Gòn, Hà Nội và Việt Nam. Từ đó về sau, Soulvenir đã quyết định chỉ làm về Việt Nam mà vẫn giữ được tính lưu niệm - Souvenir và tinh thần cốt lõi - Soul.

Trong thời gian bạn thực tập tại một cửa hàng quần áo ở Seattle, những người chủ gốc Á đã cho bạn lời khuyên thế nào để tạo ra những sản phẩm đậm chất Việt?
Cửa hàng mà mình làm việc tại Mỹ trước đây có tên là Trichome nằm trong khu Phố Tàu ở Seattle, nó cũng nhỏ như Nay Mai bây giờ. Cả ba người chủ là dân Mỹ gốc Phillipine, gốc Việt và gốc Phi, họ làm những bộ quần áo rất mang tính cộng đồng, nhất là khi vào giai đoạn 2012-2013, họ ra mắt các trang phục cảm hứng từ Đông Á pha trộn văn hóa ảo giác.
Mình thấy cửa hàng của họ rất là có hồn, họ quan tâm đến những người da màu và ủng hộ những nghệ sĩ địa phương xung quanh. Đó là những gì Nay Mai được thừa hưởng sau khi mình học được ở Trichome.

Tân có thể chia sẻ một nhà thiết kế nào đã ảnh hưởng đến bạn trong việc hình thành Soulvenir không?
Về văn hóa, Việt Nam và tuổi thơ thì có ba của mình, Bác Hồ. Còn về các thiết kế trong trang phục thì mình nghĩ ngay đến Martin Margiela.
Đối với mình, Martin Margiela là một người rất là thích phá bỏ những quy tắc và tái cấu trúc quần áo hay những trang phục DIY. Nên tính di truyền đó vẫn được thể hiện qua cách ông vẫn đi mua đồ cũ rồi về sửa lại thành một cái gì đó đẹp hơn. Chúng được mang những giá trị nghệ thuật và thời trang, nhưng gốc rễ vẫn là từ việc tái sử dụng những gì có sẵn

Bạn có thể chia sẻ về tinh thần Punk rock của Soulvenir mà bạn từng đề cập trước đây không?
Tính "Punk" ở đây là lấy cảm hứng từ tinh thần DIY.
Ví dụ như một tấm hình trên báo giấy cũ, mình sẽ lấy cái hình đó đặt lên món đồ và thổi một cái hồn mới vào trong đó. Rồi mình giả định thêm bằng một câu chữ nào đó liên quan. Như trong hình là lấy từ SGK cũ và mình đặt cùng câu nói của Bác Hồ: “Vì lợi ích trăm năm trồng cây - Vì lợi ích mười năm trồng người”.

Rồi tấm hình chồng lên là về sự tự do cho Palestine lấy cảm hứng từ hình minh họa cũ của người Palestine với thông điệp kêu gọi đồng bào khắp nơi trên thế giới giúp đỡ lẫn nhau . Cả ba yếu tố trên kết hợp lại với nhau đều mang tính DIY. Mang một cái gì đó rất là Punk đồng thời cũng rất là truyền thống - mọi người vì cộng đồng.

Theo như The Highball được biết trước đây Tân có nói về vẻ đẹp “một màu” của thiết kế những năm 60 và 70 và Soulvenir cũng chỉ in lụa đúng một màu như vậy. Bạn có thể chia sẻ thêm về vẻ đẹp “một màu” này không?
Đây đúng là câu hỏi mình rất muốn được trả lời.
Mình muốn kể một câu chuyện hoàn chỉnh và đầy đủ ý nghĩa nhất mà chỉ sử dụng đúng “một màu”. Như đã có đề cập ở trên, mình thích thẩm mỹ của punk, kiểu in trên báo chí - một hình ảnh bao hàm một câu chuyện. Có lần mình được tham dự triển lãm Dogma, mình đã có cơ hội đọc hết tất cả sách trưng bày về tem xưa và tài liệu tại đó và mình đã phải thốt lên rằng: “Những cái mà tụi mình làm bây giờ hoàn toàn có nét tương đồng với những người xưa đã làm.”
Vào thời Pháp thuộc, người Việt chúng ta đã tái chế một số con tem của Pháp bằng cách in đè lên chúng. Có một loạt những tem tiếng Pháp mà người ta in đè bằng tiếng Việt để tái sự dụng - giống cái cách mà tụi mình làm bây giờ - từ 100 năm trước.

Soulvenir luôn chọn những câu chữ mang tính phổ quát và dễ hiểu khi truyền tải sang tiếng Anh. Với tệp khách hàng là những người Việt xa xứ hay người nước ngoài, bạn nghĩ rằng họ cảm nhận thế nào khi được mặc tiếng Việt lên người?
Mình sẽ nói riêng về khách hàng không phải người Việt. Họ là một tệp khách khá lạ, tại sao không phải người Việt nhưng vẫn ủng hộ thương hiệu? Mình nghĩ dù họ làm những công việc khác, nghề nghiệp khác, nói ngôn ngữ khác nhưng họ cảm thấy một cái gì đó từ Soulvenir rất đồng điệu, về mặt nghệ thuật, sự đấu tranh, và thông điệp,..
Họ cũng đã giúp mình có cơ hội được phát triển Soulvenir hơn khi mà mình vẫn được làm về những văn hóa của Việt Nam nhưng cùng hợp tác với các bạn bè quốc tế để cùng chung sức với nhau loan tỏa một thông điệp nhất định.

Bạn có thể chia sẻ về một số sản phẩm nổi bật của thương hiệu Soulvenir?
Vậy mình lấy 3 món mình thích ha!
Đầu tiên là áo Xuân Quỳnh. Thơ của bác Xuân Quỳnh rất mang tính vĩ mô, nhưng nhìn dưới góc độ của một người phụ nữ đã có chồng con, nhưng vẫn duy trì công việc nghệ thuật của mình là một điều đáng ngưỡng mộ. Nếu mình bài thơ trong bối cảnh hiện tại thì ý nghĩa của nó vẫn đọng lại trong những người phụ nữ đang làm vợ, làm mẹ của một gia đình. Đây là thiết kế đầu tiên của Soulvenir do chính vợ mình làm.

Thứ hai là chiếc nón lưỡi trai Việt Nam. Đây là một vật phẩm mà mình muốn nó sẽ trở thành một “chiếc nón quốc dân của Việt Nam” ở một thời điểm nào đó. (Cười!)

Cuối cùng là thiết kế gần đây khi mình về Việt Nam. Chiếc khăn lấy cảm hứng từ váy chống nắng, một hình ảnh quen thuộc ta có thể dễ dàng bắt gặp trên đường phố Sài Gòn. Nhưng lần đầu về nước sau mười mấy năm, thì đây là một thứ rất lạ với mình khi ai cũng mặc váy chống nắng - nó giống khăn choàng cổ nhưng mọi người lại dùng để trùm đôi chân.
Chiếc khăn được thiết kế may hai lớp, đầu tiên là vải áo lao động và phần còn lại may trực tiếp chiếc khăn rằn - hình ảnh biểu tượng của Đông Nam Bộ. Mục đích của sản phẩm này được ra đời cũng bởi vì đa số người nước ngoài nghĩ rằng người Việt mặc đồ nhiều lớp để che nắng thay vì chú ý đến tính thời trang, mà họ quên việc mình cần bảo vệ bản thân khỏi ô nhiễm không khí và các tác nhân ảnh hưởng lâu dài đến cơ thể.

Với cửa hàng Nay Mai đồng sáng lập với cộng sự Như Ý, hai người đã chia sẻ tầm nhìn chung của mình thế nào trong không gian này?
Mình và vợ Như Ý từ lúc học cùng trường thiết kế đến giờ, cả hai luôn làm chung những dự án nhỏ hay lớn. Kể cả những dự án riêng hay là chung với Soulvenir. Nhưng cả hai rất trái nghịch như âm dương. Khi mình nghĩ ra ý tưởng nào đó, mình tung ra liền xem mọi người đón nhận thế nào rồi đào sâu thêm. Còn Như Ý sẽ làm cho ý tưởng đó hoàn hảo và chỉn chu rồi mới tung ra.

Tại Nay Mai, mình có thể mời tất cả bạn bè cùng nhau hợp tác, kể cả khi mọi người đều mang những cá tính cũng như màu sắc khác nhau. Mọi người nhìn vào có thể nghĩ rằng Nay Mai là một tổ hợp mua sắm, nhưng mình và Như Ý muốn nhấn mạnh rằng Nay Mai cũng là một văn phòng thiết kế - một nơi để các bạn có thể quảng bá các thiết kế nổi bật của mình.
Và vì tụi mình nghĩ rằng quá trình 10 năm từ lúc phát triển VSSG đến Soulvenir rồi giờ là Nay Mai nên tụi mình nghĩ cũng sẽ đủ khả năng để giúp đỡ mọi người trong cộng đồng. (Cười!)

Cảm ơn Tân vì đã dành thời gian của bạn để chia sẻ những câu chuyện thú vị đằng sau Soulvenir cũng như tại cửa hàng Nay Mai. Mong những dự án tiếp theo trong tương lai của Tân sẽ được diễn ra thuận lợi nhé!
Comentarios