Varsity Jacket, hay còn được biết đến với cái tên thân quen - Áo khoác bóng chày. Dù cái tên tiếng Việt gắn liền với bộ môn thể thao của nước Mỹ nhưng có vẻ thực tế cho thấy tần suất phủ sóng của nó dường như vượt ra khỏi phạm vi sân bóng.
Trải qua dòng chảy phát triển của thời trang, Varsity Jacket đã thoát khỏi khái niệm của trang phục thể thao. Bất kể được gọi là Varsity Jacket, Letterman, hay áo khoác bóng chày - chiếc áo này đều mang theo những giá trị lịch sử và thời trang đáng trân trọng. Nó không chỉ là niềm tự hào của người vận động viên, mà còn là biểu tượng thời trang cổ điển, mặc cho các xu hướng thời trang liên tục “đổi ngôi”.
Vậy có bao giờ các độc giả thắc mắc rằng tại sao từ “Varsity” lại được hiểu thành nghĩa “Áo khoác bóng chày” không? Do đâu mà một hiện tượng thời trang sân bóng trở thành biểu tượng của văn hóa đại chúng Mỹ? Hãy để The Highball giải đáp những câu hỏi này cho mọi người nhé!
Biểu tượng cao quý trong thể thao học đường
Biểu tượng cao quý trong thể thao học đường
Cái tên Varsity Jacket hay Letterman Jacket - đã bắt đầu “râm ran” trong cộng đồng các trường đại học Ivy League danh tiếng của Mỹ như Harvard, Princeton, Yale,… vào khoảng thế kỷ 19.
Để nói về cột mốc đánh màn “chào sân” của chiếc áo này chính là năm 1865 khi đội bóng chày Harvard quyết định thiết kế một biểu tượng nhằm vinh danh các cầu thủ xuất sắc với chiếc áo chất liệu nỉ được thuê chữ “H” lớn ngay giữa ngực.
Một thập kỉ sau,Varsity Jacket vượt ra khỏi khuôn viên của Harvard, đồng thời xuất hiện nhiều biến thể như cardigan cổ chữ V và áo len cổ lọ nhưng trong giới thể thao học đường, đây được xem như là một biểu tượng cao quý.
Mặc dù trước mỗi mùa giải, huấn luyện viên sẽ phát áo cho tất cả các thành viên trong đội, nhưng chỉ những cầu thủ có đóng góp nổi bật nhất mới được vinh dự giữ lại chiếc áo Varsity Jacket khi mùa giải kết thúc.
Chính vì thế, đối với các thành viên thường xuyên ngồi trên ghế dự bị, chiếc áo này chính là niềm mơ ước để họ nỗ lực. Thêm vào đó, ý nghĩa của “Letterman” còn tùy thuộc vào mỗi trường sẽ có một chữ cái được thêu lên áo để đại diện cho họ.
Một chi tiết thú vị khác, vào những năm 1900, Varsity Jacket còn là dấu hiệu nhận diện các cặp đôi trong trường học. Việc chàng trai trao chiếc áo cho bạn gái chính là cách công khai thể hiện tình cảm của mình, thể hiện rằng cô gái của họ cũng “đáng giá” không kém gì danh hiệu mà họ đạt được trong các mùa giải.
Giai đoạn những năm 1950 – 1960 đánh dấu bước ngoặt Varsity Jacket trở thành xu hướng thời trang trong văn hóa thanh niên Mỹ. Trong các bộ phim, chương trình truyền hình về trường học, họ thường chọn các vận động động viên nổi bật của đội làm nhân vật chính. Chiếc áo khoác khi đó không chỉ còn là trang phục thể thao mà trở thành một phần không thể thiếu trong tủ đồ của thế hệ trẻ lúc bấy giờ.
Thiết kế đặc trưng
Điều làm cho Varsity Jacket trở nên khác biệt so với các thiết kế khác, điển hình là Bomber Jacket, chính là sự phân chia rõ ràng giữa hai phần: thân áo và tay áo.
Ở phiên bản truyền thống, màu sắc của thân áo thường phản ánh màu sắc thương hiệu của trường học, câu lạc bộ, hoặc bang, trong khi phần tay áo thường có màu sắc tương phản hoặc hỗ trợ cho thân áo, thường là các màu như trắng, đen, hoặc màu phụ trong logo của tổ chức.
Varsity Jacket phần lớn được làm từ chất liệu nỉ cotton hoặc da lộn - suede, mang lại cảm giác mềm mại và thoải mái cho người mặc. Phần bo viền của áo được thiết kế với sọc kẻ ngang, có màu sắc tương đồng với màu chủ đạo của thân áo.
Bên cạnh đó, thay vì sử dụng khóa kéo, các thiết kế Varsity Jacket thường sử dụng nút bấm, cùng với hai túi nằm ở hai bên thân áo, thường không có nắp, đơn giản nhưng lại hợp thời trang.
Điểm nhấn trong thiết kế của Varsity Jacket chính là logo, chữ cái lớn thêu hay in bên ngực và thể hiện dưới dạng patch logo. Tượng trưng cho trường học hoặc câu lạc bộ mà người mặc đại diện.
Xâm nhập vào văn hóa đại chúng
Thể thao
Vào những năm 1980, Varsity Jacket đã vượt qua khuôn viên các trường đại học và nhanh chóng trở thành một hiện tượng mới trong làng thể thao. Các câu lạc bộ thể thao bắt đầu tham gia vào “trào lưu sản xuất” với những thiết kế dành riêng cho vận động viên và người hâm mộ. Điển hình phải kể đến các đội bóng nổi tiếng như Boston Celtics trong bóng rổ hay Los Angeles Raiders trong bóng bầu dục.
Những chiếc áo này thường được thêu logo và linh vật của đội, nhưng thay vì sử dụng chất liệu len hoặc da đắt tiền như bản gốc, các phiên bản này lựa chọn chất liệu satin để dễ tiếp cận hơn với số đông người hâm mộ.
Âm nhạc
Không chỉ khuấy đảo làng thể thao, Varsity Jacket nhanh chóng “lọt vào mắt xanh” của các ngôi sao ca nhạc thời điểm bấy giờ. Điển hình, hình ảnh ông hoàng nhạc Pop - Michael Jackson - diện chiếc Varsity Jacket sắc đỏ vàng trong Thriller đã trở thành một biểu tượng thời trang kinh điển trong lòng người hâm mộ.
Và không dừng lại ở đó, Varsity Jacket tiếp tục chinh phục văn hóa đường phố khi được các tượng đài hip-hop như Run-D.M.C. và N.W.A. lựa chọn như một phần trong phong cách cá nhân của họ. Dần dần, chiếc áo khoác bóng chày trở thành “linh hồn” của văn hóa và đời sống hip-hop, phản ánh tinh thần đường phố và mang lại sự phá cách trong cá tính mỗi người.
Thời trang
“Làm mưa làm gió” trong địa hạt giải trí, dĩ nhiên, các nhà tạo mốt không thể nằm ngoài trào lưu mang tên Varsity Jacket.
Một trong những thương hiệu nổi bật nhất phải kể đến là Stussy, “cây đại thụ” trong làng thời trang đường phố. Khó ai có thể phủ nhận rằng, các thiết kế Stussy Tribe Varsity Jacket đã tạo nên một bước ngoặc lớn trong lịch sử thương hiệu, đưa Stussy trở thành cái tên tiên phong mang thời trang đường phố đến với đại chúng. Thông qua việc kết hợp len và da, thiết kế như một “cầu nối” giữa hai bờ thế giới: thời trang cao cấp và văn hóa đường phố, mở ra con đường mới cho trào lưu streetwear.
Đối với những tín đồ của Stussy, chắc chắn không ai là không biết đến giai thoại của những chiếc International Stussy Tribe (IST) Varsity Jacket. Ngay từ những ngày đầu, Shawn Stussy cùng với những cá nhân nổi bật như Hiroshi Fujiwara và Luca Benini đã cống hiến hết mình trong việc định hình phong cách của thương hiệu. Để bày tỏ lòng biết ơn, Shawn đã tặng riêng từng thành viên trong Tribe một chiếc Varsity Jacket, và tên của họ được thêu tỉ mỉ trên túi ngực.
Mỗi chiếc áo không chỉ là món quà tri ân, mà còn là minh chứng cho tinh thần gắn kết bền chặt giữa các thành viên thuộc IST. Thiết kế được xem như một biểu tượng của lòng trung thành và là một trong những di sản của Stussy – nơi mang đậm tính nguyên bản và sự độc đáo của thương hiệu. Chính vì thế, mỗi lần IST Varsity Jacket được phát hành với số lượng giới hạn, như một lời gợi nhớ rằng sự thành công của Stussy chính là kết quả của những tâm hồn sáng tạo cùng chung tay xây dựng nên điều khác biệt.
Đặc biệt, giai đoạn 2021 – 2022, chúng ta đã được chứng kiến cái tên Varsity Jacket một lần nữa quay trở lại với hàng loạt những màn “làm mưa làm gió” trên sàn diễn của các nhà tạo mốt danh tiếng.
Một trong những cái tên nổi bật có thể kể đến Virgil Abloh. Dưới bàn tay tài hoa của nhà thiết kế này, các mẫu Varsity Jacket liên tục “điểm danh” trên các thương hiệu nổi tiếng, trở thành biểu tượng của thời trang đương đại.
Đồng thời, đây như cú châm ngòi thổi bùng lên “ngọn lửa tình yêu” dành phong cách cổ điển vốn luôn râm ran trong cộng đồng yêu thời trang. Bên cạnh việc dõi theo những bộ sưu tập mới “trình làng”, những tín đồ của thời trang vintage cũng sẵn sàng tham gia vào các “cuộc săn lùng” những chiếc áo Varsity Jacket kinh điển đã có từ những thập kỉ trước.
Nhìn vào bề dày lịch sử, chúng ta có thể thấy Varsity Jacket chiếm một vị thế vững chắc trong làn sóng văn hóa Mỹ. Với sự phát triển không ngừng từ những năm 1800s cho đến nay, chiếc áo này không còn gói gọn trong khái niệm của “trang phục thể thao” mà còn gắn liền với những câu chuyện, kỷ niệm và dấu ấn không thể nào quên của các thế hệ trước.
Thông qua việc tạo nền tảng cho những sáng tạo tiếp nối, khơi dậy tình yêu dành cho thời trang ở mọi tầng lớp, mọi độ tuổi, chắc chắn, dù ở bất kỳ thời kỳ nào, Varsity luôn mãi là biểu tượng của thời trang bền vững.
Comments