top of page

Văn hoá Bosozoku | The Highball Story

Đến với bài viết lần này, The Highball muốn giới thiệu các bạn đến với một thuật ngữ/ khái niệm có phần mới mẻ nhưng vô tình lại đang được thế hệ Gen Z tại Việt Nam đón nhận và quan tâm hiện nay, đó chính là “Bosozoku”.




Chắc hẳn khi lái xe trên các con đường tại Việt Nam, hình ảnh của chiếc nón bảo hiểm sở hữu thiết kế có phần đặc biệt này hẳn đã không còn xa lạ với nhiều người.


Đúng vậy, đây là chiếc nón Bosozoku hay còn được nhiều người gọi thân thuộc hơn với cái tên là “nón công nhân”. Vì thiết kế có phần gợi nhớ đến hình ảnh của các sản phẩm nón bảo hộ ở công trường. Và điều thú vị ở chiếc nón bảo hiểm này đó chính là xuất phát từ một văn hoá cùng tên - “Bosozoku” đã có lịch sử hơn 70 năm.




Vậy khái niệm Bosozoku là gì và điều gì đã làm cho chiếc nón bảo hiểm của văn hoá này lại trở nên phổ biến tại Việt Nam?


Là một văn hoá được xuất phát từ Nhật bản, “Bosozoku” hay còn được gọi là “băng đảng bạo lực” được biết tới là một hệ tư tưởng đề cao lối sống ăn chơi và nổi loạn.


Bosozoku là băng đảng nhằm chỉ các tay lái xe mô tô với tốc độ cao mang tính mạo hiểm, gây hại cho người khác và chính bản thân họ. Nguồn gốc của băng đảng này bắt đầu vào những năm 1950, sau khi các phi công cảm tử ở Nhật hay còn được gọi là kamikaze trở về cuộc sống đời thường sau Thế chiến thứ hai.


“Kamikaze” là các phi công cảm tử trong chiến tranh. Sứ mệnh của họ được xác định là sẽ hi sinh trên chiến trường bằng việc lái các máy bay mang theo bom lao thẳng vào các tàu chiến của địch. Chính vì nhiệm vụ cao cả là hi sinh vì tổ quốc nên các phi công này thường không màng tới bản thân mà luôn có lối suy nghĩ, hành động mang tính chất gây nguy hiểm bằng tốc độ.


Vì đã quen với cuộc sống và tư duy trên chiến trường nên đa phần sau khi may mắn sống sót trở về từ chiến tranh, những con người này khó có thể sống cuộc sống bình thường và sẽ mắc hội chứng PTSD hay còn được gọi là hậu sang chấn tâm lý sau chiến tranh. 




Trong quá trình tìm kiếm liều thuốc điều trị mang tên sự kích thích và cảm giác phiêu lưu trong cuộc sống đời thường, các kamikaze đã tìm đến mô tô như một sự lựa chọn thay thế cho những chiếc máy bay trong Thế chiến thứ hai. Khi vừa đáp ứng được cả hai yếu tố là tốc độ và mạo hiểm.


Bên cạnh đó, nhiều thông tin cho rằng họ được truyền cảm hứng thông qua các bộ phim về thể loại đua xe ở phương Tây. Chính điều này đã thúc đẩy những người này tụ họp lại để thành lập băng đảng và được gọi với cái tên ban đầu là “Kaminari Zoku” - bộ tộc sấm chớp, băng đảng của những kẻ nổi loạn đi tìm kiếm niềm vui trong cuộc sống đời thường.


Khi các thế hệ kamikaze già đi và dần được thay thế bằng một thế hệ nổi loạn mới, tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng băng đảng. Các thế hệ này thường tổ chức các buổi tụ tập lớn mang tên “Chạy" và bắt đầu diễu hành xung quanh các con phố. Trong đó, nhóm băng đảng này kiểm soát đường bằng việc chặn các đường đi và lái xe liều lĩnh.


Chính điều này đã gây ra nhiều cuộc bạo loạn vào những năm 1970 và các phương tiện truyền thông bắt đầu gọi tên băng đảng này với cái tên “Bosozoku". Tiểu văn hoá bắt đầu sử dụng cái tên “Bosozoku” đơn giản là vì ngầu và cái tên này cũng được sử dụng nhiều hơn trên truyền thông và báo chí.


Vào những năm 1980, Bosozoku bắt đầu trải qua một cuộc sóng gió lớn ảnh hưởng tới sự tồn tại của băng đảng. Vì đặc điểm tự do và nổi loạn nên văn hoá này dễ dàng thu hút các thanh niên trẻ, ít học thức ở tầng lớp thấp. Và đã có thời điểm đạt đến số lượng thành viên lên tới 43.000 người. Vì mức độ nổi loạn và gây hại gia tăng ngày càng cao nên chính phủ Nhật đã có những động thái “thanh trừng” nhắm vào cộng đồng này.


Nhận ra tính nguy hiểm và rủi ro cũng như để duy trì băng đảng, các thành viên giờ đây tập trung nhiều hơn vào việc xây dựng văn hoá và các luật lệ. Băng đảng chú ý nhiều hơn đến an toàn của những người xung quanh khi tổ chức các cuộc đua ở thời điểm chiều tối vào cuối tuần. Từ băng đảng chạy xe như sấm chớp và nổi loạn giờ đây họ chỉ còn được biết tới nhiều hơn về nổi loạn, vì việc chạy xe của băng đảng giờ đây ngày càng có ý thức hơn. 



Bên cạnh các yếu tố lịch sử, điều làm cho văn hoá này thêm phần nổi bật đó chính là bộ trang phục mang tên tokkōfuku. Lấy thiết kế và ý tưởng từ bộ đồng phục của kamikaze trong Thế chiến thứ hai. Trang phục đặc biệt bởi hình thêu “Bosozoku" ở đằng sau kết hợp cùng với các biểu tượng và các cụm từ Kanji nổi tiếng ở đất nước mặt trời mọc. Chính điều này đã giúp bộ trang phục trở thành biểu tượng đặc trưng của băng đảng Bosozoku.


Bên cạnh đó, băng đảng còn thể hiện được khí chất có phần ngông cuồng thông qua vẻ bề ngoài mạnh mẽ khi kết hợp các phụ kiện như kính râm gọng tròn, gậy bóng chày,... Và đặc biệt hơn hết đó chính là băng đầu hachimaki, một phụ kiện thường được gắn liền với hình ảnh của các samurai và đây cũng là biểu tượng đặc trưng cho lòng quyết tâm, sức mạnh và lòng dũng cảm. 


Các giá trị mà các bosozoku hướng tới là "con đường của samurai" - “way of samurai", sự quyết đấu và tự do được thể hiện thông qua tốc độ của những chiếc xe mô tô. Các bosozoku tuân thủ nguyên tắc không gây hại cho người dân và giúp đỡ mọi người. 


Với các yếu tố trên, băng đảng Bosozoku phần nào đó đã chiếm được tình cảm và suy nghĩ của nhiều người trong đất nước có nhiều tục lệ và quy tắc.



Yếu tố không thể không nhắc tới chính là các chiếc xe mô tô độ Kaizōsha - phương tiện đã được sửa đổi và được phủ bởi các màu sắc rực rỡ như đỏ, trắng, hồng,... Phong cách xe được sửa đổi - độ phần đầu và phần đuôi tạo ra hình dáng giống như chiếc máy bay cỡ nhỏ. Phong cách này không chỉ dừng lại ở trang phục và xe mô tô mà còn được truyền cảm hứng sang các thể loại xe ô tô khác. 


Hình ảnh của các Bosozoku khi chạy xe còn gắn liền với chiếc nón bảo hiểm có thiết kế đặc biệt với kiểu dáng 1/2 và phần thân trên có hình tròn vo như quả trứng đi kèm với đó là quai đeo bằng da dọc theo 2 bên khuôn mặt tạo cho người đeo cảm giác an toàn. 



Theo nhiều thông tin và hình ảnh của thiết kế, ta có thể thấy được sự tương đồng với phần mũ bảo hộ của các phi công trong bộ đồng phục của các phi công kamikaze. Đây cũng chính là cảm hứng cho chiếc nón Bosozoku đang được nhiều người Việt sử dụng hiện nay.


Bên cạnh bộ trang phục Tokkōfuku nổi tiếng vẫn còn được lưu truyền cho các thế hệ sau thì mẫu nón bosozoku cũng là một món phụ kiện được nhiều người sử dụng hiện nay vì có ngoại hình độc đáo.


Chiếc nón Bosozoku đã bắt đầu xuất hiện trong nhiều năm gần đây, nhưng ngày càng trở nên phổ biến hơn vào các năm 2022 và 2023. Điều đặc biệt là hình ảnh của các chiếc nón Bosozoku này thường được gắn liền với các rider và thế hệ trẻ, đặc biệt là Gen Z. Chắc hẳn đây chính là lý do giúp sản phẩm này trở nên gần gũi hơn khi có thể kết hợp được với nhiều phong cách khác nhau như tinh thần bụi bặm các dân chơi xe máy hay sự tươi mới và trẻ trung của các thế hệ trẻ.

-------------


Giờ đây, văn hoá Bosozoku không còn phổ biến và được nhiều người biết tới như thời đỉnh cao. Tuy vậy, văn hoá này đã để lại nhiều dấu ấn góp phần hình thành nền thời trang Nhật Bản hiện nay và truyền tải được các thông điệp, cảm hứng mang tính tự do và suy nghĩ dám nghĩ dám làm cho các thế hệ sau.


Liệu bạn có đang sở hữu nón bảo hiểm Bosozoku? The Highball mong rằng bài viết sẽ giúp các bạn giải đáp các thắc mắc xoay quanh và hiểu sâu hơn về quá trình hình thành nên chiếc nón có thiết kế độc đáo này.









 





Comments


  • Facebook
  • Threads
  • Instagram

The Highball

(+84) 93 872 0737

thehighball.vn@gmail.com

© 2023 by The Highball

Contact

Thanks for submitting!

bottom of page