Xuất hiện như một luồng gió mới giữa những tên tuổi lừng lẫy trong ngành thời trang vào giữa thế kỉ 20 - Wrangler đã khéo léo khắc họa nên một màu sắc riêng. Gắn liền với tinh thần cao bồi Mỹ - nơi sự mạnh mẽ và phong trần hội tụ.
Nếu như Levi’s nổi bật với chiếc quần jeans 501 huyền thoại, Lee dẫn đầu với những thiết kế hiện đại và thực tiễn thì Wrangler đã chọn một “lối đi riêng” với hình ảnh người cao bồi, chiếc mũ rộng vành, đôi boots bụi bặm và chiếc quần jeans bền bỉ.
Thương hiệu đã định hình và nuôi dưỡng phong cách cao bồi qua từng đường may, thớ vải, trở thành biểu tượng của sự kết hợp giữa di sản và thời trang hiện đại. Bây giờ sẽ là một hành trình ngược dòng ký ức cùng với The Highball quay trở về với lịch sử hình thành của thế giới Wrangler!
Sự ra đời của Wrangler
Câu chuyện của Wrangler bắt đầu vào những năm 1800 ở miền Nam Hoa Kỳ. Năm 1897, C.C. Hudson đã bắt đầu một công việc với mức lương 25 xu ở một nhà máy tổng hợp ở thị trấn dệt may tại Bắc Carolina. Đây là nơi ông học được chuyên môn về thủ công quần jeans và hiểu biết về ngành công nghiệp quần áo bảo hộ lao động của Mỹ.
Đến năm 1904 khi nhà máy đóng cửa, ông và người anh trai Homer đã mua một số máy khâu và họ quyết định thành lập Công ty Hudson Overall. Vào năm 1919 công ty quyết định đổi tên thành Công ty Blue Bell Overall.
Năm 1926, Công ty Blue Bell Overall được Big Ben Manufacturing of Kentucky mua lại với giá khổng lồ là 585.000 đô la.
Đi qua một thập kỷ, họ đã có sản phẩm đột phá đầu tay là quần yếm - Super Big Ben. Với thành công của những chiếc quần yếm, vào năm 1943, Blue Bell đã mua lại một hãng chuyên sản xuất các loại quần áo lao động có tên là Casey Jones cùng với tên thương hiệu là Wrangler.
Chiếc quần jeans huyền thoại - 13MWZ
Bắt nguồn từ việc sau khi thử nghiệm và sản xuất hơn 13 cặp denim nguyên mẫu - chiếc quần jeans 11MWZ đã được Wrangler chính thức cho ra mắt vào năm 1947.
Wrangler đã giới thiệu đến công chúng Mỹ một mẫu quần jeans với thiết kế được tinh chỉnh gọn gàng - đặc biệt là đường may ngắn gọn ở cả mặt ngoài và trong. Phần túi sau không có đinh tán, tránh làm trầy xước yên ngựa, trong khi chữ “W” thêu đặc trưng đã trở thành biểu tượng dễ nhận biết, gắn liền với phong cách denim cổ điển. Từ đó, chiếc quần mang đến trải nghiệm hoàn hảo cho những ai muốn tìm về tinh thần và nguồn gốc của miền viễn Tây nước Mỹ.
Những tay đua rodeo huyền thoại như Jim Shoulders, Bill Linderman hay Freckles Brown đã lựa chọn mẫu quần jeans chuyên dụng này trong các cuộc thi, là minh chứng rõ nét cho độ bền, chất lượng và tính thực dụng vượt trội của Wrangler.
Sau này, mẫu quần được đổi tên thành Wrangler 13MWZ, do sử dụng loại vải denim 13 oz dày dặn, khẳng định vị thế của nó như một biểu tượng của sức mạnh và sự bền bỉ.
*OZ: được viết tắt của "ounce” - một đơn vị dùng để đo trọng lượng vải.
Wrangler – Biểu tượng của cao bồi Mỹ
Năm 1948, nhà vô địch thế giới rodeo - Jim Shoulders - đã ký hợp đồng hợp tác với Wrangler, đánh dấu bước ngoặt giúp Wrangler trở thành biểu tượng của dòng quần jeans cao bồi mà ai cũng khao khát sở hữu.
Những năm tiếp theo, Wrangler không ngừng mở rộng tầm ảnh hưởng khi tài trợ cho Hiệp hội Rodeo Chuyên nghiệp Mỹ (PRCA), đồng thời trở thành thương hiệu trang phục chính thức cho các giải đấu rodeo danh giá.
Giữa thập niên 1960, Blue Bell – công ty mẹ của Wrangler – đã xây dựng nhà máy đầu tiên tại châu Âu và bắt đầu chiến dịch đưa Wrangler ra thế giới. Từ đó, thương hiệu nhanh chóng được săn đón cuồng nhiệt bởi những ai theo đuổi phong cách cao bồi và là một biểu tượng của Hoa Kỳ.
Định hình phong cách thời trang cao bồi trên màn ảnh
Ngoài những chiếc quần jeans mang tính biểu tượng của Wrangler, bên cạnh đó, thương hiệu còn cho ra mắt những chiếc denim jacket. Với thiết kế cổ điển, giúp tôn lên vẻ nam tính và phóng khoáng, đậm chất cao bồi Mỹ. Một số mẫu áo điển hình có thể kể đến như Wrangler 11MJZ hoặc Wrangler 24MJ.
Điển hình cho phong cách đậm chất Mỹ thập niên 70 phải kể đến nhân vật Cliff Booth, do Brad Pitt thủ vai trong bộ phim Once Upon a Time in Hollywood. Trong phim, Pitt diện chiếc áo khoác denim Wrangler 124MJZ, ra mắt vào năm 1970.
Điểm nổi bật và khác biệt của mẫu áo này so với các thiết kế denim jacket trước đó chính là việc sử dụng khóa kéo thay vì cúc đồng truyền thống. Chất liệu vải Broken Twill Denim đặc trưng của Wrangler không chỉ mang lại sự mềm mại mà còn tăng cường độ bền, tạo cảm giác thoải mái khi mặc. Đặc biệt, hai túi ngực có nắp, thêu biểu tượng chữ “W” là điểm nhấn tinh tế, góp phần nâng tầm chiếc áo thành một biểu tượng kinh điển của phong cách denim Mỹ.
Hoặc có thể kể đến - John Wayne - biểu tượng bất hủ của hình ảnh cao bồi trên màn ảnh Hollywood, ông không chỉ là diễn viên mà còn là hình mẫu phong cách.
John Wayne thường xuyên diện mẫu quần Wrangler 13MWZ – thiết kế kinh điển gắn liền với sự bụi bặm miền viễn Tây, kết hợp cùng áo sơ mi dài tay làm từ chất liệu cotton bền bỉ và đôi boots da cổ điển.
Điểm nhấn không thể thiếu chính là chiếc khăn quàng cổ – một phụ kiện tuy giản dị nhưng đầy phong trần. Tất cả hòa quyện tạo nên một hình ảnh đậm chất Mỹ, toát lên tinh thần tự do, gan dạ và kiêu hãnh.
Với hơn 70 năm lịch sử, Wrangler đã chứng minh rằng một thương hiệu có thể phát triển và tồn tại lâu dài bằng cách giữ vững giá trị cốt lõi. Nếu như Levi's tập trung vào thời trang toàn cầu với những thiết kế cổ điển hay Lee kết hợp phong cách thời trang hiện đại thì Wrangler khác biệt nhờ tinh thần cao bồi - đại diện cho những giá trị văn hóa đến từ miền viễn Tây của Hoa Kỳ!
Comments